Siêu tên lửa của Nga và Ấn Độ sắp xuất hiện trên máy bay, tàu ngầm?
Cũng theo một số thông tin, phiên bản mới này sẽ có kích thước nhỏ hơn so với phiên bản BrahMos gốc, và sẽ có trọng lượng đủ nhẹ để một máy bay MiG-35 có thể sử dụng.
Tên lửa chống hạm BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác chế tạo. |
“Chúng tôi đang phát triển phiên bản mới của tên lửa này. Nó sẽ có kích thước vừa đủ để đặt vào bên trong ống phóng ngư lôi của tàu ngầm và sẽ nhỏ hơn gần 1,5 lần so với các phiên bản trước đây. Nó cũng có thể được trang bị cho nhiều loại máy bay chiến đấu”, ông Alexander Leonov, giám đốc điều hành và thiết kế tập đoàn Mashinostroyenia, hãng tham gia chế tạo BrahMos cho biết.
“Đương nhiên, chúng tôi cũng sẽ phát triển để nó có thể sử dụng được trên các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nhưng trước mắt nó sẽ được trang bị cho các phi cơ MiG-35”, ông Leonov nói thêm.
Tên lửa BrahMos là một phiên bản tên lửa chống hạm P-800 Oniks do Nga và Ấn Độ hợp tác chế tạo. Phiên bản ban đầu có thể đạt tốc độ Mach 3.0 và có tầm bắn vào khoảng 300km, song với trọng lượng 2.200km nó không phù hợp để trang bị cho máy bay. Hiện tại chỉ có Sukhoi Su-30MKI có thể mang được nó khi bay.
Phiên bản tên lửa BrahMos mới sẽ nhỏ hơn và có tầm bắn tương đương, song nó sẽ có tốc độ vào khoảng Mach 3.5. Điều này sẽ cho phép Su-30MKI có thể mang theo 3 loại tên lửa này trong một lần cất cánh. Ngay cả phi cơ MiG-35 cũng có thể sẽ mang theo nhiều hơn một quả tên lửa mỗi khi cất cánh làm nhiệm vụ.
Với việc Ấn Độ ký kết vào Thỏa thuận Kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR), Nga và Ấn Độ cũng sẽ tăng cường hợp tác phát triển một phiên bản tên lửa BrahMos mới có tầm bắn xa hơn. Nó sẽ cho phép Ấn Độ công kích những mục tiêu trong lãnh thổ Pakistan một cách tự do một khi được đưa vào sử dụng.