Siêu tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tới Đà Nẵng, quan hệ Việt – Mỹ nâng tầm
Theo truyền thông quốc tế, chuyến thăm của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt diễn ra trong năm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ John C. Aquilino cùng Tướng lãnh sự Marie Damour đại diện cho phía phái đoàn Mỹ tham gia buổi lễ đón nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ. (Ảnh: US Navy) |
Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt rời San Diego vào ngày 17/1 và được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có lượng giãn nước toàn tải là 100.000 tấn. Ngoài thủy thủ đoàn hơn 5.000 người, tàu USS Theodore Roosevelt còn mang theo 130 máy bay bao gồm các chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler cùng máy bay cảnh báo sớm trên không E-2 Hawkeye.
Mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹthường bao gồm một tàu sân bay, một tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển, 2 - 3 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển. Trong đó, tuần dương hạm là tàu hộ tống chính, điều phối phòng thủ của nhóm tác chiến và đặc biệt là chống lại các mối đe dọa trên không.
Trong chuyến thăm tới Đà Nẵng, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được số lượng lớn tàu hộ tống. Dẫn đầu đoàn hộ tống là tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) thuộc lớp Ticonderoga.
Bunker Hill được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân gồm radar AN/SPY-1 cùng 122 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41, có thể phóng tên lửa hải đối không SM-2, SM-6 và ESSM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống ngầm.
Theo ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chatham House, chuyến thăm cảng Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã được chuẩn bị từ lâu.
“Chuyến thăm của con tàu được sắp xếp suốt một thời gian dài và theo tôi là khoảng từ vài tháng trước. Chuyến thăm mang thông điệp quan hệ quân sự Việt – Mỹ đang ngày càng phát triển.”, ông Hayton nói.
Đặc biệt, cùng ngày 5/3 đúng hai năm trước (2018), tàu sân bay USS Carl Vinson với hơn 5.000 thủy thủ tới Đà Nẵng và trở thành tàu sân bay đầu tiên của hải quân Mỹ thăm Việt Nam sau chiến tranh.
Tới tháng 11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esperđã có chuyến thăm tới Việt Nam và thông báo việc Mỹ tặng cho Việt Nam một tàu tuần tra cỡ lớn thứ hai vào năm 2020 để giúp Việt Nam củng cố khả năng về bảo vệ hàng hải.
“Chiếc tàu này sẽ là biểu tượng cụ thể nữa cho mối quan hệ đang được củng cố của chúng ta. Sự hợp tác này không chỉ giúp tăng cường an ninh của Việt Nam và khu vực mà còn xây dựng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau, tạo nên sự hài hòa giữa hai nước”, ông Esper phát biểu.
Đây là chiếc tàu tuần tra cỡ lớn thứ hai Việt Nam nhận từ Mỹ, sau chiếc Morgenthau (WHEC 722) đã nhận hồi cuối năm 2017. Chiếc tàu này hiện phục vụ trong Cảnh sát biển Việt Nam với số hiệu 8020.
Trước đó đã có nhiều thông tin cho rằng chiếc tàu tuần tra cỡ lớn mà Việt Nam sẽ nhận từ Mỹ là chiếc John Midgett (WHEC 726), vốn được Tuần duyên Mỹ lên kế hoạch loại biên vào năm 2019.
Tàu tuần tra John Midgett (WHEC 726) là chiếc cuối cùng trong 12 chiếc thuộc lớp tàu Hamilton, hạ thủy tháng 9/1971 và biên chế vào Tuần duyên Mỹ tháng 3/1972.
Tàu John Midgett dài 115 m, ngang rộng nhất 13 m, mớn nước 4,6 m, lượng choán nước 3.250 tấn, tầm hoạt động 22.530 km, có 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbin khí, tốc độ tối đa 29 knot (53,7 km/giờ). Tàu có thể mang theo 24 sĩ quan và 160 thủy thủ, hoạt động liên tục 45 ngày trên biển. Tàu còn có nhà chứa trực thăng dạng mái vòm có thể kéo ra thu vào được.
Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra nhận định, chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt cho thấy Mỹ vẫn muốn “duy trì vị thế sức mạnh hải quân hàng đầu ở khu vực Tây Thái Bình Dương và trên Biển Đông”.
Trong nhiều văn bản chính trị chiến lược, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác chiến lược ưu tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động bắt nạt mà Trung Quốc triển khai trên Biển Đông.
“Chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là một trong ba gọng kìm trong chiến lược quân sự của Mỹ. Ba gọng kìm này gồm việc tuần tra bằng tàu chiến liên tục, tuần tra bằng máy bay ném bom liên tục và tuần tra đảm bảo tự do hàng hải. Do đó, chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt nhằm thể hiện cam kết của Mỹ trong khu vực và sự hiện diện của USS Theodore Roosevelt tại Biển Đông được Việt Nam hoan nghênh”, ông Thayer chia sẻ.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.
Lần gần nhất là vào cuối tháng Một, tàu tác chiến ven bờ USS Montgomery của hải quân Mỹ trở thành chiến hạm đầu tiên tiến hành tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông trong năm 2020.
Cụ thể, tàu tấn công ven bờ USS Montgomery của hải quân Mỹ đã di chuyển gần khu vực bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông vào sáng ngày 27/1, theo Viện Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc (SCSPI).
Tờ Japan Times dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội 7 là Trung úy Joe Keiley cho hay, hải quân Mỹ “thực hiện các quyền hàng hải và tự do đi lại qua quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế nằm trong chương trình tuần tra đảm bảo tự do hàng hải”.
Video: Soi "độ khủng" của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thuộc hải quân Mỹ