Sĩ tử 12 xả hơi trước ngày thi tốt nghiệp
Không còn “học ngày cày đêm”
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ diễn ra từ ngày 2-4/5, nhiều tháng qua, hầu hết các sĩ tử đã phải gánh một thời khóa biểu dày đặc, với những lịch học liên tiếp kéo dài từ 12-14 tiếng/ngày.
Trò chuyện với một số sĩ tử khối 12 trong thời điểm khi chỉ còn một vài ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp sẽ diễn ra, các bạn cho biết thay vì học kiểu “no dồn đói góp” thì xả hơi để có được tinh thần tốt nhất.
Ảnh minh họa |
Trần Thu Trang (học sinh lớp 12, trường THPT Trần Nhật Duật, Nam Định) cho biết: “Em đã kết thúc thời gian học ở trường từ 24/5 để tự ôn ở nhà. Chỉ còn một vài ngày nữa kỳ thi sẽ diễn ra nên em cũng không học quá sức. Ban ngày em dành khoảng 4 tiếng để đến các lớp luyện thi đại học. Còn buổi tối em tự ôn tập các môn sẽ thi tốt nghiệp khoảng 2-3 tiếng”.
Thu Trang chia sẻ trước đây em thường xuyên thức đến 1-2h để học bài vì lịch học ở trường và đến các lớp luyện thi đã dày đặc từ sáng đến tối, nhưng thời gian này cô bạn lại chọn giải pháp ngủ sớm, dậy sớm.
Tuy nhiên, do học lực chỉ ở mức trung bình nên Thu Trang vẫn tỏ ra lo lắng: “Em thi đại học khối D nên ba môn Toán, Văn và tiếng Anh thì kiến thức khá chắc chắn, nhưng môn Sinh do không chú tâm học từ đầu năm nên thời gian này em dành khá nhiều thời gian để ôn tập”.
Trò chuyện cùng Nguyễn Hạnh Nguyên (học sinh lớp 12, trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định) có học lực khá, nên rất tự tin: “Em tin chắc với kiến thức của mình sẽ đỗ được tốt nghiệp. Nhưng chỉ còn 2 ngày nữa kỳ thi sẽ bắt đầu nên em vẫn dành thời gian để tổng hợp, hệ thống lại kiến thức tránh tình trạng nhầm lẫn khi làm bài. Còn các nội dung chi tiết của từng môn em đã nắm vững ngay trong thời gian ôn tập tại trường”.
Là học sinh chuyện khối C, Đặng Thị Uyên (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) chia sẻ em khá lo lắng với kỳ thi tốt nghiệp năm nay bởi các môn tập trung chủ yếu vào khối tự nhiên không phải là thế mạnh của mình.
Uyên cho biết em lo lắng nhất với hai môn Hóa và Toán, vì vậy sau khi kết thúc thời gian học ở trường từ ngày 21/5, cô bạn tiếp tục đầu tư thời gian để ôn tập hai môn này và nhờ anh chị giảng thêm những phần chưa hiểu.
Để có được tinh thần thoái mái trước khi thi, Hạnh Nguyên chia sẻ mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, cô bạn thường tưới cây hay nghe nhạc chứ không ép mình tiếp tục ngồi học. Còn Thu Trang lại chọn giải pháp làm động tác hít thở, đứng dậy đi lại chứ không ngồi học một chỗ trong thời gian dài.
Về phía gia đình, các bạn đều cho biết thời gian này bố mẹ cũng rất lo lắng nhưng không hề tạo áp lực mà chủ yếu nhắc nhở con cái học tập và nghỉ ngơi điều độ để có được tâm lý thoải mái, thể chất khỏe mạnh trước kỳ thi.
Chia sẻ việc mình sẽ làm trước ngày thi tốt nghiệp, Hạnh Nguyên cho biết sẽ cùng mẹ đi chùa cầu may để kỳ thi diễn ra suôn sẻ, sau đó sẽ dành thời gian để xem lại nội dung chính của hai môn thi đầu tiên. Còn Đỗ Uyên sẽ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập, giấy tờ cần thiết và ngủ sớm để tránh gặp phải những tình huống hi hữu có thể xảy ra.
Không mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi
Năm nay, Bộ GD – ĐT đã bổ sung quy chế mới đó là cho phép thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình chỉ có khả năng thu mà không phát tín hiệu vào phòng thi. Tuy nhiên đa số các bạn học sinh khi được hỏi đều cho rằng sẽ không mang thiết bị này vào phòng thi.
Thu Trang cho biết: “Em nghĩ mang vào cũng chẳng để làm gì. Lớp em cũng không có bạn nào có ý định này vì sợ có khi còn xảy ra chuyện không hay”. Còn Đỗ Uyên cũng vẫn sẽ đi thi như bình thường và cho rằng quy chế này có thể sẽ giúp cho kỳ thi thi tốt nghiệp diễn ra trong sạch hơn, vì vậy các học sinh nên nghiêm túc chấp hành.
Ngày 2/5 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức diễn ra trên cả nước với môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Như vậy các sĩ tử chỉ còn 2 ngày để chuẩn bị về kiến thức cũng như tinh thần, sức khỏe để sẵn sàng "vượt vũ môn".
Tư vấn về sức khỏe dành cho các sĩ tử trước mùa thi, bác sĩ Lê Thị Hải, GĐ TT khám – tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết việc học theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” không biết có đem lại hiệu quả hay không nhưng ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý sẽ mang lại nhiều phiền toái. Việc ngồi học bài liên tục khiến mắt sẽ bị mỏi, cảm giác khô mắt đau đầu, giảm khả năng tập trung mà nếu để kéo dài có thể gây ra một số biến chứng cho mắt. Bên cạnh đó nếu quá căng thẳng sẽ dẫn tới hiện tượng tăng cường thần kinh giao cảm dẫn đến đau bụng, tiêu chảy ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Theo Giáo dục Thời đại |
An Hoàng