Shark Linh: 'Thời điểm để khởi nghiệp tốt nhất là khủng hoảng'
Nữ doanh nhân Thái Vân Linh chia sẻ 5 nguyên tắc cân bằng và tự chủ tài chính cùng một số kinh nghiệm về đầu tư.
Bà Thái Vân Linh là Giám đốc Công ty Cổ phần Vingroup Ventures, cố vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nổi tiếng qua vai trò giám khảo của chương trình kêu gọi đầu tư Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank), cái tên Shark Linh trở nên quen thuộc với giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp.
Bà Linh đã chia sẻ về 5 nguyên tắc tự chủ tài chính mà bà tâm niệm cho các bạn trẻ mong muốn quản lý tài chính hiệu quả và bắt đầu lộ trình đầu tư tại tọa đàm do XTB tổ chức mới đây.
Giữ nợ để tạo động lực kiếm tiền
Shark Linh chia sẻ, điều kiện kinh tế gia đình không tốt đã làm bà nhận ra tầm quan trọng của tự chủ tài chính từ khi còn rất nhỏ. Ngay từ lúc 7-8 tuổi, bà Linh đã bán kẹo trong trường học để có tiền mua những thứ mình thích. Theo bà, tự chủ tài chính cho phép bà làm những điều mình muốn, và suy nghĩ này nên được hình thành từ sớm để tạo động lực kiếm tiền cũng như tiết kiệm.
"Nhiều người nghĩ đến khi nào có tiền thì mình mới có thể suy nghĩ như vậy, nhưng chờ đến lúc nào mình mới có tiền? Cần phải thay đổi cách tư duy để biến những gì mình muốn thành những thứ có thể đạt được", Shark Linh chia sẻ.
Tốt nghiệp cấp 3, Shark Linh vay học phí 25.000 USD để học đại học, sau đó tiếp tục vay thêm 100.000 USD để học MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh). Bà cho biết chính những khoản vay này cho bà hiểu rõ giá trị của thời gian đi học và những gì mình đánh đổi. Những khoản vay tạo ra động lực để bà tiếp tục đi làm, thăng chức và tăng lương.
Shark Linh chia sẻ với các bạn trẻ tại tọa đàm. |
Cũng theo bà Linh, trước khi trả nợ vay cho người khác, chính bản thân mình cũng nên được "trả lương". Bà Linh kể: "Tôi từng tính toán chi ly từng xu để trả học phí, thậm chí không đủ tiền mua một ly cà phê. Nhưng tôi nhận ra nếu không 'trả lương' cho bản thân trước, mình sẽ không bao giờ dư dả được và cũng không có động lực kiếm thêm tiền".
Theo bà, tiết kiệm cần có kế hoạch rõ ràng và nên dành một phần để đầu tư vào bản thân. Tự trau dồi và rèn luyện bản thân sau khi tốt nghiệp là chuyện nhiều bạn trẻ bỏ quên vì không nhìn thấy kết quả tức thì. Hai nguyên tắc tự chủ tài chính cuối cùng của bà là tìm kiếm thêm nguồn thu nhập khác và đầu tư, nhưng chỉ nên đầu tư vào những gì mình hiểu rõ.
Có nên khởi nghiệp trong khủng hoảng?
Chia sẻ về vấn đề có nên đầu tư khi thị trường gặp sự cố, bà Linh nhận thấy những công ty đầu tư lớn thường có khả năng tìm kiếm và bắt đầu đầu tư ngay lúc thị trường đang đi xuống.
Covid-19 là một giai đoạn khó khăn nhưng không hoàn toàn chỉ mang tín hiệu xấu. Nắm bắt nhu cầu thị trường trong giai đoạn chuyển dịch có thể mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc. "Thời gian này có thể là tốt nhất để bắt đầu khởi nghiệp", Shark Linh nhận định.
Ngoài ra, khủng hoảng tạo ra cơ hội về nhu cầu cho các dịch vụ mới và sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với giai đoạn bình thường. Thực tế cho thấy có rất nhiều mảng kinh doanh bùng nổ trong giai đoạn cách ly vì Covid-19 ở Việt Nam. Tuy nhiên, gánh nặng tài chính trong khủng hoảng có thể gia tăng, vì vậy các doanh nghiệp cần tính toán lại chi phí để công ty trụ lại trước hiểm nguy.
Khó khăn của Covid-19 thúc đẩy các chủ doanh nghiệp sáng tạo cách vận hành mới để giảm thiểu tối đa chi phí. Mặt khác, bà Linh khuyến khích các bạn trẻ hãy mạnh dạn tìm hiểu và kinh doanh, đừng suy nghĩ quá nhiều về kiến thức hàn lâm hay lý thuyết. Bán hàng, kinh doanh online hay công việc part-time cũng giúp tích lũy kinh nghiệm khởi nghiệp.
Là nhà đầu tư cho nhiều startup giai đoạn đầu, Shark Linh cũng chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn đầu tư. "Yếu tố đầu tiên là không nên chỉ nhìn vào ý tưởng của startup. Tôi sẽ xem xét toàn diện về nhà sáng lập, thị trường, khả năng tăng trưởng, khách hàng... Ranh giới giữa đầu tư và cờ bạc rất mong manh. Đầu tư là nghiên cứu rất sâu và vận dụng kiến thức để giảm thiểu thất thoát tài sản của mình", bà Thái Vân Linh chia sẻ.
Theo zingnews.vn