Sẽ tính đến việc DN dân sự tham gia nghiên cứu, chế tạo vũ khí
Theo Điều 17 dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí được chia thành hai phương án trình Quốc hội xem xét lựa chọn.
Trình Quốc hội hai phương án
Phương án 1, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí.
Phương án 2, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Với phương án này, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí đối với các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vũ khí thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Thủ tướng quyết định.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 02/06, ĐBQH Lê Tấn Tới, đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng nên chọn phương án 1 vì các lý do như sau: Phù hợp với Điều 68 Hiến pháp năm 2013 về xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh. Lý do thứ 2 là đúng theo Nghị quyết của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 12 đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng ứng dụng, tặng cường nguồn lực, tạo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Lý do thứ 3 là phù hợp với tính đặc thù trong công tác của lực lượng Công an nhân dân, đó là hoạt động bí mật cần có những loại vũ khí, vật liệu nổ chuyên dùng.
![]() |
Đại biểu Lê Tấn Tới, đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu. |
Đồng tình với phương án 2, nên giao cho Bộ Quốc phòng, đại biểu Vũ Xuân Hùng, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng thực tiễn hiện nay chúng ta chưa có doanh nghiệp ngoài quân đội nghiên cứu chế tạo, kinh doanh, sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí bởi vì vũ khí là mặt hàng có tính đặc thù cao. Việc quản lý, sản xuất kinh doanh là rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và an ninh quốc gia. Do vậy, giới hạn phạm vi sản xuất kinh doanh càng hẹp thì càng dễ kiểm soát và tính bảo mật càng cao.
“Theo tôi không nên thị trường hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng có tính đặc thù này. Đầu tư cho sản xuất, sửa chữa ban đầu thì nguồn lực rất lớn, công nghệ, thiết bị cho sản xuất cũng phức tạp, mặt khác hoạt động này cần phải quy định chặt chẽ dựa trên nguyên tắc thống nhất, kế thừa quy định tại Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã thực hiện 5 năm qua không có gì vướng mắc. Vì vậy, hoạt động này chỉ nên giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh như hiện nay đang thực hiện là khá hiệu quả”, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Hùng cũng đồng tình với đề xuất các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất một số loại vũ khí có tính đặc thù, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng Công an, phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Mặc dù vậy, đại biểu Hùng cho rằng, tại khoản 2 điều này, phương án 2 còn khá chung chung. Do vậy, khi Chính phủ quy định việc sản xuất vũ khí của các tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Công an cần quy định cụ thể điều kiện của các doanh nghiệp được phép sản xuất vũ khí để tương đồng với các điều kiện được quy định cụ thể với các doanh nghiệp quốc phòng tại khoản 1 điều này.
Sẽ tính đến việc DN dân sự tham gia
Trước những ý kiến của các ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: “Khi làm luật này có áp lực lớn cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định. Nhiều đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực này cũng phải xem xét luật này có kín kẽ hay không. Soát xét lại về mặt nguyên tắc, quy trình, thủ tục đều đảm bảo chặt chẽ, đúng thủ tục”.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. |
Làm rõ vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại diện cơ quan trình dự luật, cho biết trên cơ sở ý kiến tham gia đóng góp, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017.
Đối với vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cả hai phương án đều được các ĐBQH phân tích, lựa chọn rất kỹ. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH và ý kiến phát biểu đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, nội dung này sẽ được trình theo hướng giao tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ, đồng thời tính đến việc các DN dân sự tham gia khi có đủ điều kiện, nhưng không được tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu vũ khí.