Sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử nhập cảnh vào Việt Nam
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, sáng nay (18/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh…Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, trong đó có việc xây dựng và triển khai cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo đó, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Đồng thời, người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực sẽ được cung cấp mã khóa để truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực để nhận kết quả xin thị thực điện tử, thanh toán lệ phí thị thực qua tài khoản và tự in thị thực điện tử. Quy định cấp thị thực điện tử như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh.
![]() |
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ điều khiển phiên họp cho ý kiến về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. |
Tuy nhiên, việc cho phép người nước ngoài tự in thị thực điện tử không phù hợp với quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, về hình thức thị thực, Luật quy định thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời (khoản 3 Điều 7), chưa quy định về thị thực điện tử, với quy trình cấp thị thực như trên thì có thể hiểu thị thực điện tử là thị thực rời. Theo quy định tại Điều 11 của Luật, thị thực rời chỉ cấp trong một số trường hợp nhất định, không cấp cho tất cả người nước ngoài.
Đối với điều kiện cấp thị thực, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật thì người nước ngoài đề nghị cấp thị thực phải có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật). Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 10 của Luật thì người nước ngoài vào Việt Nam để đầu tư, hành nghề luật sư, lao động, học tập, sống cùng thân nhân... khi đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh. Nếu thực hiện cấp thị thực điện tử sẽ bỏ quy định này.
Về cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực, theo quy định của Luật, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao chỉ tiếp nhận hồ sơ mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và cấp thị thực mới cho người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam (Điều 15, 16, 19). Người đang ở nước ngoài sẽ nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài (cơ quan đại diện Việt Nam) hoặc tại cửa khẩu quốc tế (Điều 17, 18). Theo hướng này thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh được cấp thị thực cho người đang ở nước ngoài.
“Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm chủ trương này là cần thiết”, đại diện Bộ Công an khẳng định.
Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đại diện Bộ Công an cho biết, áp dụng giao dịch điện tử trong quá trình, thủ tục xét cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đối tượng áp dụng là người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam và các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.
“Để thực hiện việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam bắt đầu từ 1/1/2017, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV cho ý kiến và thông qua Nghị quyết”, đại diện Bộ Công an đề nghị.