Sai phạm chủ quyền biển đảo: Nỗi xấu hổ của ngành xuất bản
Nhìn nhận lại công tác xuất bản, phát hành năm qua, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, đầu năm 2013, việc một số nhà xuất bản (NXB) in những cuốn sách tham khảo dành cho học sinh và các loại sách khác, có nguồn gốc từ nước ngoài (Trung Quốc) sử dụng hình ảnh minh họa cờ Trung Quốc thay cho cờ Tổ quốc Việt Nam, sử dụng hình ảnh minh họa bản đồ quốc gia thiếu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa… đã gây phản ứng mạnh trên báo chí cũng như dư luận xã hội.
Đáng lưu ý nhất là vụ sách Tiếng Việt lớp 1 (NXB Giáo dục) không in 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ và bộ sách Tiếng Hoa dành cho trẻ em (NXB Tổng hợp TP.HCM), gồm 3 tập, trong đó Tập 1 (trang 35, bài 14) in bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” 9 khúc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, vừa xảy ra cách đây không lâu.
Vẫn theo ông Hòa, mặc dù ngay sau đó các NXB đã phải tự thu hồi các cuốn sách này, nhưng với tất cả những gì đã xảy ra, thực sự trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành xuất bản và phát hành sách Việt Nam.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn phát biểu tại Hội nghị |
Để xảy ra vi phạm này, theo Cục Xuất bản, là do một số NXB đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị. Có trường hợp đối tác liên kết đã phát hành sách ra thị trường trong khi NXB chưa ký quyết định phát hành và chưa nộp lưu chiểu theo quy định. Có thể thấy, những sai sót trên là do giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên chưa xác định hết vai trò, trách nhiệm của mình, chưa thực hiện đúng chức năng của mình trong quá trình xuất bản nói chung và thực hiện liên kết nói riêng. Trong thời gian tới các NXB cần rà soát lại quy trình xuất bản và biên tập kỹ các đề tài thuộc loại này, tránh xảy ra sai phạm đáng tiếc.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện NXB Trẻ cho rằng, việc các ấn phẩm sai sót nằm ở vấn đề nội dung chứ không phải do thủ tục xuất bản, phát hành và liên kết. Trên thực tế, quan hệ giữa NXB và đơn vị liên kết chưa bao giờ bình đẳng. Vì một số khó khăn khách quan và chủ quan mà phía NXB luôn phải ở thế bị động trong quan hệ hợp tác liên kết xuất bản. Tuy nhiên, khi xảy ra sai sót thì chỉ có NXB là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước, ban lãnh đạo NXB và biên tập viên không những chịu hình phạt về trách nhiệm mà còn bị kiểm điểm, kỷ luật trước Đảng. Như vậy, để hạn chế những sai sót nghiêm trọng như thời gian qua, cần có biện pháp xử lý cả các đơn vị liên kết xuất bản.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, trong năm 2012, đã có 51 cuốn sách được phát hiện có sai phạm trong tổng số hơn 28 ngàn cuốn sách đã xuất bản. Tuy chỉ chiếm 0,18%, nhưng mỗi cuốn sách có tác động cực kỳ lớn đối với dư luận xã hội. Để xảy ra những sai sót “hết sức sơ đẳng” đối với người làm công tác xuất bản, phát hành thời gian qua là sự xấu hổ của toàn ngành xuất bản. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng có phần trách nhiệm không nhỏ trong vấn đề này. Trong năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có biện pháp thắt chặt quản lý đối với công tác xuất bản, phát hành và liên kết xuất bản.
![]() |
Trao cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc trong năm 2012 |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các cơ quan thông tấn báo chí cần có sự phối hợp cùng các NXB trong vấn đề phát hiện sai sót. Trước khi đăng tải thông tin lên các trang báo điện tử thì cơ quan báo chí cần có sự trao đổi, làm việc cùng NXB để cùng hỗ trợ khắc phục sai sót. Thứ trưởng phản đối việc đưa thông tin một cách tràn lan, vội vã cùng lúc trên nhiều trang báo, trang thông tin điện tử. Bởi như vậy sẽ vô tình làm hậu quả của sai phạm càng tác động rộng rãi hơn trong xã hội.
Chiều nay, hội nghị sẽ được tiếp tục với hoạt động góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản.