Sắc lệnh nhập cư Donald Trump 2.0: Khôn khéo, linh hoạt hay vẫn chỉ vậy?
Theo CNN, sắc lệnh cấm nhập cư phiên bản 2.0 được đưa ra 6 tuần sau khi mệnh lệnh hành chính ban đầu của chính phủ Trump gây náo loạn tại các sân bay rên khắp nước Mỹ và sau đó buộc các tòa án liên bang phải can thiệp để ra lệnh tạm ngừng thực thi.
Cụ thể, sắc lệnh nói trên sẽ có hiệu lực trong vòng 90 ngày kể từ ngày 16/3 đối với công dân của Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen, và trong vòng 120 ngày đối với toàn bộ người tị nạn. Sắc lệnh chỉ áp dụng đối với những người xin cấp mới thị thực (visa), đồng nghĩa với việc khoảng 60.000 người có thị thực bị thu hồi theo sắc lệnh cũ vẫn có thể nhập cảnh vào Mỹ.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh nhập cư mới hôm thứ Hai (6/3) tại phòng Bầu Dục. Nguồn: AP |
Bên cạnh việc loại trừ Iraq trong số các nước bị cấm nhập cảnh, sắc lệnh mới còn có thay đổi về ngôn ngữ so với phiên bản đầu tiên. Thay vì cấm toàn bộ người tị nạn Syria không giới hạn, sắc lệnh mới yêu cầu ưu tiên nhập cảnh cho những người tị nạn thuộc nhóm thiểu số tôn giáo ở đất nước của họ. Điều khoản mới này khiến những người ủng hộ nhập cư cho rằng sắc lệnh mới của Tổng thống Trump là một sự phân biệt đối xử với người theo đạo Hồi và không giải quyết được những lo ngại chính về sắc lệnh trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia nói khó có thể gây thách thức pháp lý đối với sắc lệnh cấm nhập cảnh lần này.
Tổng chưởng lý Jeff Sessions cho biết: “Chúng tôi không thể thỏa hiệp an ninh quốc gia của mình bằng cách cho phép khách du lịch nhập cảnh vào nước Mỹ trong khi chính phủ của chính họ không thể hay không sẵn sàng cung cấp thông tin chúng tôi cần để sàng lọc họ, hoặc có thể chính những chính phủ này là người tài trợ cho khủng bố”.
Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh mới vào sáng ngày 6/3 tại phòng Bầu Dục mà không có sự tham gia của phóng viên hay truyền hình. Trước đó, Nhà Trắng đã hoãn buổi ký kết này để tránh làm ảnh hưởng tới phản ứng tích cực trước bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội của ông Trump.
Như thường lệ, các nghị sỹ Dân chủ, phe thiểu số trong Quốc hội Mỹ, nhanh chóng thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với sắc lệnh mới, cho rằng đây là một lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử. Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện, nghị sỹ Nancy Pelosi khẳng định: “Sắc lệnh mới của chính quyền Trump chẳng làm được gì để thay đổi những mục tiêu phi đạo đức, bất hợp hiến và nguy hiểm đưa ra trong sắc lệnh ban đầu. Rõ ràng đây là một lệnh cấm nhằm vào người theo đạo Hồi”.
Tổng quát sắc lệnh nhập cư mới của chính quyền Trump. Nguồn: AP |
Tuy nhiên, một số nghị sỹ Cộng hòa từng chỉ trích sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên của Trump tỏ ra lạc quan hơn về sắc lệnh mới. Ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, nói ông “rất phấn khởi” với sắc lệnh mới và hài lòng với việc Iraq được đưa ra khỏi danh sách.
Nếu như sắc lệnh đầu tiên của ông Trump đã kéo theo hơn hai chục vụ kiện tại các tòa án Mỹ thì theo các chuyên gia, sắc lệnh mới ảnh hưởng đến ít người đang sống ở Mỹ hơn và cho phép có nhiều ngoại lệ hơn để bảo vệ họ, nên những người phản đối khó tìm được căn cứ để kiện.
Những điều chỉnh trong sắc lệnh mới đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn người cư trú dài hạn hợp pháp ở Mỹ, tức những người có thẻ xanh, đến từ 6 quốc gia nêu trong sắc lệnh mới không còn bị ảnh hưởng như trong sắc lệnh đầu tiên.
Tại sao Iraq được loại bỏ?
Một phần lý do khiến sắc lệnh nhập cư mới bị trì hoãn là bởi vì chính quyền Tổng thống Trump cần có thời gian tranh luận về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề của Iraq. Ngoại trưởng Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster đều ủng hộ rút Iraq khỏi danh sách các quốc gia bị cấm trong sắc lệnh mới vì các lý do ngoại giao, bao gồm cả vai trò của Iraq trong cuộc chiến chống IS. Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa John Kelly cũng tán thành ý kiến này.
Ngoài ra, theo một quan chức cấp cao Hoa Kỳ, Iraq được đưa ra khỏi lệnh cấm mới sau khi chính phủ nước này nỗ lực vận động hành lang ở mức độ cao nhất. Các hoạt động đó bao gồm cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 10/2 và cuộc hội thoại riêng giữa ông Abadi và Phó Tổng thống Mike Pence tại Munich hôm 18/2.
Người dân Iraq theo dõi bản tin CNN về sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump tại một quán cà phê ở Baghdad. Nguồn: AP |
Các cuộc đối thoại trên là kết quả của những lần thảo luận giữa ông Tillerson và các thành viên của chính phủ Iraq về những biện pháp kiểm tra giúp ngăn chặn nghi phạm khủng bố từ giai đoạn rời Iraq để đến Mỹ. Iraq không áp dụng những biện pháp mới nhưng quốc gia này đã cung cấp các thông tin chi tiết cho quan chức Mỹ về phương thức sàng lọc khách du lịch.
Trong cuộc điện đàm với ông Abadi, Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tìm ra giải pháp và đạt thỏa thuận trước lo ngại của người đồng cấp Iraq rằng công dân của nước này không thể nhập cảnh vào Mỹ. Ông Trump sau đó đã đề nghị Ngoại trưởng Tillerson thu thập thêm thông tin về các biện pháp kiểm tra ở Iraq.
Lãnh đạo Nhà Trắng còn phải đối mặt với áp lực buộc phải đưa Iraq khỏi danh sách từ một số quan chức an ninh quốc gia Mỹ, những người cho rằng việc hạn chế đó sẽ tạo gánh nặng nên đối tác chống IS quan trọng của Washington. Nhiều người trong nhóm gây áp lực nói trên là các nhân vật ở lại từ chính quyền của người tiền nhiệm Obama.