Rút quân đội nước ngoài khỏi Iraq sẽ đe dọa an ninh châu Âu
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết khi đến tham dự cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao tại Brussels, cần tiếp tục hoạt động chống khủng bố của liên minh ở Iraq, việc rút các lực lượng quân sự sẽ làm gia tăng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), tạo ra mối đe dọa mới đối với an ninh trong khu vực và châu Âu.
Hôm 7/1, Quốc hội Iraq yêu cầu chính phủ thôi thúc Hoa Kỳ phải rút quân khỏi lãnh thổ nước này sau vụ tấn công vào lãnh thổ gần sân bay quốc tế Baghdad làm thiệt mạng tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Về phía Iraq, đại diện chỉ huy lực lượng vũ trang Abdel Kerim Half cho biết, Chính quyền Iraq bắt đầu chuẩn bị cơ chế cho việc rút quân Mỹ.
“Các hoạt động của liên quân quốc tế ở Iraq sẽ chỉ giới hạn ở việc tham vấn, trang bị vũ khí và huấn luyện nhân viên quân sự, còn các lực lượng vũ trang thì sẽ rời khỏi Iraq”, ông Half nói.
Ông Half nhấn mạnh, chính phủ Iraq hạn chế sự di chuyển trên mặt đất và trên không của các lực lượng Liên quân quốc tế và sẽ không cho phép họ di chuyển đến bất cứ đâu. Đồng thời, theo ông Half, phía Mỹ đã không thông báo cho tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Iraq về các hoạt động quân sự của mình.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: RIA. |
“Chúng ta tin rằng cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố IS cần được tiếp tục ở Iraq, chúng ta sẽ kêu gọi chính phủ Iraq duy trì nhiệm vụ này. Cuối cùng, chúng ta sẽ chấp nhận bất kỳ quyết định nào sẽ được chấp thuận ở Baghdad. Nhưng tôi tin rằng, việc kết thúc cuộc chiến chống lại IS ở Iraq vào lúc này sẽ dẫn đến sự mất ổn định đáng kể cho đất nước. Nó mở ra không gian mới cho hoạt động khủng bố của IS khiến mối đe dọa tấn công khủng bố không chỉ ở Iraq và khu vực Trung Đông, mà còn lan sang cả châu Âu”, ông Maas nói.
Trước đó, hôm 10/1, Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi đã đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cử một phái đoàn để đàm phán về cơ chế chuẩn bị cho hoạt động rút quân.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Hoa Kỳ không có ý định thảo luận về việc rút quân khỏi Iraq.
“Hiện tại, bất kỳ phái đoàn nào được gửi tới Iraq sẽ bận rộn thảo luận về cách làm mới quan hệ đối tác chiến lược của chúng tôi, không phải bằng cách thảo luận về việc rút quân, mà là cách triển khai lực lượng của chúng tôi ở Trung Đông”, Bộ Ngoại giao nói.
“Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa chính quyền Mỹ và Iraq cần phải được tổ chức không chỉ về an ninh, mà còn về quan hệ đối tác tài chính, kinh tế và ngoại giao”, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.