Rút đề xuất ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung |
Không áp dụng tăng giờ làm thêm khu vực công
Về quy định khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là nhu cầu có thực của DN và một bộ phận người lao động. Việc tăng giờ làm thêm mức tối đa 300-400 giờ, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng cho một số rất ít ngành nghề và thời điểm nhất định.
“Không áp dụng tăng giờ làm thêm khu vực công. Tiếp tục nghiên cứu các phương án, nhất là vấn đề liên quan tới thỏa thuận và lương lũy tiến”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, 97% DN tại Việt Nam là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, làm sao vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động vừa đảm bảo cho DN phát triển bền vững.
Về tổ chức đại diện, trong Phiên thảo luận về Công ước 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cũng đã báo cáo bởi “đây là vấn đề mang tính chất nguyên tắc đối với tổ chức đại diện sẽ được nêu trong Bộ luật”.
Ngày 27/7 sẽ không được đưa vào ngày nghỉ lễ. (Ảnh minh họa) |
Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu
Đối với việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đây là “xu hướng tất yếu, cũng là yêu cầu thực sự cần thiết của Việt Nam hiện nay”.
“Thời điểm này việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như Nghị quyết 28 của Trung ương đã nêu rất rõ các mục tiêu, yêu cầu đề ra”, Bộ trưởng nói và bày tỏ vui mừng khi đa số các đại biểu Quốc hội đồng thuận với phương án tăng tuổi hưu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo thêm, việc diều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, hầu như các nước đều gặp phải khó khăn trong vấn đề này.
“Có 4 vấn đề lớn: Thứ nhất, các nước đều đi đến quyết định sớm khi còn thặng dư lao động; thứ hai là đều tiến hành lộ trình tăng tuổi chậm; thứ ba là thường người dân và người lao động không đồng tình, nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lâu dài thì các nước đều quyết định tăng tuổi hưu, nhất là gần đây Nga, Anh, Pháp... ; thứ tư trong vấn đề xử lý điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải phân loại đối tượng theo các nhóm.
Đây là 4 kinh nghiệm các nước đã đặt ra và chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu. Chúng ta khẳng định, việc điểu chỉnh tuổi nghỉ hưu đích đạt đến với nữ là 2035, nam 2029”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình xử lý điều chỉnh tuổi hưu, phải phân loại đối tượng theo các nhóm.
Cụ thể, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ phân làm 3 nhóm: nhóm trong điều kiện lao động bình thường; nhóm lao động ngành nghề, lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại... và nhóm nghỉ hưu muộn hơn có danh sách cụ thể (ví dụ thẩm phán TANDTC, nữ thứ trưởng và nhà khoa học...).
“Từ năm 2014, theo đúng đánh giá của quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn đang già. Hiện chúng ta chỉ còn 400.000 lao động tăng thêm hàng năm. Tiến tới Việt Nam chắc chắn thiếu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,2%, so với quốc tế, Việt Nam là một trong 8 nước đứng đầu có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất”, Bộ trưởng nói thêm.
Đáng chú ý, về nội dung lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng trong dự thảo Bộ luật nêu rõ ý nghĩa, tính nhân văn. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu phát biểu thảo luận, Chính phủ xin rút nội dung này ra khỏi dự thảo. Đồng thời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, toàn văn dự án Bộ luật sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo, khoa học để trình Quốc hội xem xét.