Rút đăng cai ASIAD 18: Người dân hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng
Ông Trịnh Ngọc Thạch (Ảnh: Xuân Hải) |
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 và sẽ xin tổ chức vào một thời điểm khác thích hợp hơn, trao đổi với PV Infonet tối 17/4, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: Để đưa ra quyết định như vậy Thủ tướng cũng phải suy nghĩ rất nhiều.
Thưa ông, chiều nay Thủ tướng Chính phủ đã quyết định rút đăng cai ASIAD 18 với lý do: Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD, việc chuẩn bị đăng cai cũng chưa chặt chẽ và khi vận động đăng cai chưa có đề án để bảo đảm tổ chức thành công. Trong khi đó nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và sự khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Tôi cho rằng, quyết định rút đăng cai ASIAD 18 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là hoàn toàn phù hợp và được người dân hoàn toàn ủng hộ. Trước đây, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã trình bày với Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về việc tổ chức đăng cai ASIAD 18 nhưng chúng tôi vẫn còn băn khoăn một số tiêu chí như kinh phí lấy ở đâu để tổ chức đăng cai, xây dựng các công trình thể thao phục vụ cho ASIAD.
Để đưa ra quyết định như vậy, Thủ tướng cũng đã phải cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều. Theo tôi, đây không phải là căn nhắc đơn thuần mà còn có nhiều khía cạnh cần quan tâm, trong đó có vấn đề hiện nay là tình hình kinh tế của nước ta đang hết sức khó khăn, kinh phí từ các nguồn lực có hạn mà mình lại tổ chức ASIAD thì sẽ không đảm bảo được các điều kiện đạt chuẩn để tổ chức sự kiện lớn như vậy. Khi kinh tế đất nước đang khó khăn mà mình vẫn cố để tổ chức sẽ không thành công mà còn có tác động ngược lại, trong khi đó chúng ta còn phải tập chung đầu tư cho nhiều chương trình lớn, cấp thiết hơn, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội.
Nếu Việt Nam đăng cai ASIAD 18 thì kinh phí đầu tư quá nhiều mà hiệu quả mang lại không cao, thưa ông?
Đúng vậy. Trên thực tế, qua các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam, thậm chí ở các nước thế giới cho thấy nguồn thu từ việc đăng cai các sự kiện thể thao hầu như không bù đắp đủ chi phí đầu tư xây dựng, tổ chức đăng cai, tức là thu không bù chi.
Thêm vào đó việc sử dụng các công trình thể thao sau khi tổ chức đăng cai thế vận hội không hiệu quả. Trong khi chúng ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương lại rất hạn hẹp nên phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ cấp thiết khác.
Vậy, trước khi vận động để đăng cai ASIAD thì chúng ta chưa tính đến việc lấy kinh phí ở đâu để tổ chức ASIAD 18, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng điều này cũng đã được tính toán từ trước nhưng do khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nước ta, trong khi đó chúng ta còn quá nhiều việc cấp thiết phải làm. Còn chúng ta mà có kinh phí để đăng cai và tổ chức thành công ASIAD sẽ góp phần tạo thanh thế, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của Việt Nam, mối quan hệ quốc tế sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, trong điều kiện mình chưa đủ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo vận động viên,... mà vẫn cứ tổ chức đăng cai nhưng không đáp ứng được yêu cầu, không mang lại hiệu quả cao thì lại mất uy tín hơn nhiều. Cho nên, sau khi nghe các bộ ngành tư vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng phải suy nghĩ rất nhiều mới đưa ra quyết định rút đăng cai ASIAD. Khi kinh tế xã hội Việt Nam phát triển, cơ sở hạ tầng đầy đủ, lúc đó chúng ta đăng cai ASIAD cũng chưa muộn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!