Rượu tàn phá cơ thể từ đầu tới chân
Vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, anh N.T.N. 37 tuổi, Vĩnh Phúc như được hồi sinh từ cõi chết. Người nhà anh N. cho biết anh đi liên hoan họp lớp 1 ngày sau đó lại về quê ăn cưới, ăn giỗ và cả tháng liên miên ăn nhậu.
Đến đầu tháng 12 anh N. bỗng dưng đau bụng, sốt và nôn ói. Khi đưa đi cấp cứu gia đình chỉ nghĩ ngộ độc thực phẩm. Vào tới bệnh viện bác sĩ chấn đoán viên tuỵ cấp. May mắn, anh được bác sĩ cấp cứu, lọc máu kịp thời đã vượt qua cửa tử.
Theo GS Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, vào dịp cuối năm hầu như tỷ lệ cấp cứu lại tăng lên đều liên quan tới “tiên tửu".
Người bệnh đa dạng từ công nhân tới công chức, thậm chí giám đốc, người có chức quyền… đều vì uống rượu quá chén mà phải vào cấp cứu.
Có trường hợp làm cán bộ hải quan, công việc bận rộn nhưng bệnh nhân này không bao giờ từ bỏ bữa nhậu nào của cơ quan, bạn bè. Uống rượu trở thành thói quen của bệnh nhân và hậu quả vào viện cấp cứu.
Còn trường hợp khác ngộ độc cồn chỉ vì quá thèm rượu nhưng không có rượu nên mua cồn y tế pha ra uống. Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai có đủ các mặt bệnh liên quan tới rượu trong đó phổ biến là ngộ độc cồn y tế, cồn công nghiệp.
Cồn công nghiệp do người bán trà trộn vào, người mua không biết, còn cồn y tế có những người biết nhưng vẫn uống.
Uống rượu không chỉ ngộ độc mà nó còn tàn phá nhiều cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể từ não, thần kinh tới gan, xương khớp, mạch máu, hồng cầu…
TS BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết rượu là ethanol, rượu được sử dụng rộng rãi từ uống, làm giấm, nấu ăn, ngâm thuốc trong y học cổ truyền.
Khi uống rượu ít thì rượu được coi như thực phẩm, nhưng phần lớn người ta đều uống nhiều và có người phụ thuộc vào rượu thành nghiện, lúc này rượu là chất độc.
Uống nhiều quá là gây hại cho sức khỏe và cũng tốn kém, bất ổn an toàn xã hội, ảnh hưởng tới công việc.
Khi uống rượu, ethanol hấp thu rất dễ dàng ở đường tiêu hóa. Một phần nhỏ được hấp thu ở dạ dày còn lại 80 % ở ruột non. Nếu dạ dày có thức ăn trước đó thì hấp thu rượu chậm hơn khi bạn uống rượu lúc đói. Tuy nhiên, ăn no rồi uống cơ thể vẫn hấp thụ hết ethanol bạn đã uống vào.
Ethanol chuyển hóa tại gan. Nếu uống nhiều thường xuyên thì men chuyển hóa rượu phải tăng sinh, thay đổi hoạt động của gan làm hoạt động gan lệch lạc tăng tương tác thuốc và dễ nhiễm độc hơn. Rượu được thải trừ qua hơi thở từ 15 đến 20 %, còn lại qua đường bài tiết.
Khi uống rượu nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe như giảm thị lực, giảm vận động mắt, suy tim, loạn nhịp tim, ngừng tim đột ngột. Rượu tác động lên cơ quan thần kinh, tâm thần như gây nghiện, phụ thuộc vào rượu, thoái hóa não, teo não, rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, bệnh lý thần kinh ngoại biên.
Người nghiện rượu còn bị hội chứng cai rượu hay là cơn vật do rượu, cơn thèm rượu. Ngoài ra, còn các hiện tượng như mất ngủ, sử dụng thuốc ngủ cũng kém tác dụng.
Trên cơ quan tiêu hóa, rượu gây viêm loét dạ dày, viêm tụy cấp, suy tụy, tổn thương gan, xơ gan. Người bệnh còn bị rối loạn điện giải như hạ kali, hạ magie, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu… tăng axit uric.
Với các tác hại trên, TS Nguyên cho rằng vấn đề ăn nhậu cần phải cảnh báo. Nếu bạn uống rượu bia với số lượng nhiều hơn kèm với các thực phẩm ăn kèm nhậu thường mất cân bằng về dinh dưỡng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tại Việt Nam, rượu, bia là nguyên nhân của 8,3% số trường hợp tử vong (số liệu năm 2012). Rượu, bia xếp thứ 5/15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu.
Sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, pha cồn công nghiệp là nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ ngộ độc, làm hàng chục người tử vong trong những năm qua.
Khánh Chi