'Thủ phạm' gây ra những cái chết bất đắc kỳ tử
Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200 nghìn ca đột quỵ và trong đó có 50% bệnh nhân tử vong. Đột quỵ đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của người dân vì nó được xem là cái chết bất đắc kỳ tử.
TS BS Trần Chí Cường – Giám đốc BV Đột quỵ và tim mạch Cần Thơ cho biết, chỉ riêng năm 2021, BV đã tiếp nhận 7.900 bệnh nhân đột quỵ. Trên thực tế, nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ ở người cao tuổi còn người trẻ thì khó bị hơn.
Tuy nhiên, theo BS Cường, phần lớn trường hợp đột quỵ do người ta không nghĩ rằng mình có khả năng đột quỵ. Bởi vì đa số đều không có tầm soát kiểm tra phòng đột quỵ
Những nguy cơ gây đột quỵ:
Thứ nhất, những người có độ tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng gia tăng.
Thứ hai, bệnh nhân có dị tật bẩm sinh sẵn như dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não. Yếu tố này không thay đổi được vì nó là bẩm sinh. Khi càng lớn thì áp lực lên mạch máu hoặc chỉ cần một chấn thương có thể gây vỡ mạch máu, đột quỵ.
Thứ ba, các vấn đề về bệnh tim mạch như rung nhĩ, rối loạn nhịp tim. Nếu bạn có cục máu đông thì tim đưa cục máu đông này lên não có thể gây nhồi máu não.
Thứ tư, 2 yếu tố nguy cơ đặc biệt phổ biến trong cộng đồng đó là thuốc lá và rượu bia. Các yếu tố nguy cơ mà bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được đó là thuốc lá, bia rượu.
Nếu bạn hút thuốc lá 1 bao/ngày trong 20 năm nguy cơ đột quỵ gấp 10 lần so với người không hút thuốc lá. Người uống rượu bia cũng tương tự. Yếu tố khác bạn kiểm soát được đó là thừa cân béo phì, mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp. Nếu bạn có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng đột quỵ càng cao.
BS Cường cho rằng các yếu tố này đều thay đổi được nhưng người dân lại rất chủ quan khiến cho tình trạng đột quỵ ngày càng tăng trong cộng đồng.
BS CKII Huỳnh Văn Hiệp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho rằng đột quỵ biết sớm sẽ có cơ hội xử trí sớm tỷ lệ tử vong, di chứng sẽ giảm hơn. BS Hiệp cho biết có hai dạng đột quỵ là nhồi máu cấp và xuất huyết não.
Nhồi máu não chiếm 80 – 85% do cục máu đông chèn lên mạch máu. Người bệnh có các triệu chứng như méo miệng, liệt yếu chân tay, nói đớ…
Đột quỵ do tắc mạch có thể sử dụng thuốc tan cục máu đông để tái tạo, lưu thông mạch máu hoàn toàn. Nếu trễ quá thời gian cho phép sau 6h có thể can thiệp lấy cục máu đông.
Tại Sóc Trăng bác sĩ đã cấp cứu bệnh nhân đột quỵ đến sớm phục hồi rất cao. Thậm chí, lấy được cục máu đông là bệnh nhân hết yếu liệt.
Khi phát hiện triệu chứng đột quỵ càng ở nhà sơ cứu thì cơ hội điều trị của bệnh nhân càng giảm.
BS Hiệp cũng khuyến cáo các thuốc quảng cáo tan cục máu đông ở nhà thuốc đều không có tác dụng gì cho bệnh nhân đột quỵ. Cấp cứu đột quỵ phải cấp cứu ở bệnh viện có đủ điều kiện.
TS Cường cũng khuyến cáo thêm, khi bạn bị nhồi máu não hay có biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua như chóng mặt, tê yếu chân tay một bên, mất kiểm soát một bàn tay, hơi nói đớ một chút, mắt tối một bên trong chốc lát, loạng choạng té ngã… nhưng bạn chủ quan không đi đến bệnh viện khám. Nhưng TS Cường cho rằng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cơn đột quỵ trong tương lai gần.
Khi cơn đột quỵ nặng xảy ra, tắc nghẽn mạch máu lớn thì việc điều trị đã khó khăn, di chứng sau điều trị lại nặng nề.
Nếu cấp cứu chậm 1 phút có 2 triệu tế bào thần kinh sẽ chết. Vì vậy người bệnh ở nhà không được đưa đi viện sớm, giữ lại cạo gió hay chờ trời sáng mới đến bệnh viện thì đã muộn.
TS Cường cho biết có nhiều trường hợp rất đau lòng người bệnh có biểu hiện đột quỵ trong đêm nhưng người nhà lại cố chờ tới sáng hoặc là “né” ngày xấu mùng 5, 13, 23… đến khi vào bệnh viện thì người bệnh đã hôn mê sâu, hết cả thời gian vàng sử dụng các biện pháp điều trị đột quỵ hiệu quả nhất hiện nay.
Với đột quỵ, BS Cường nhấn mạnh cấp cứu càng sớm trong mốc 6h thì tỷ lệ cứu sống càng cao, di chứng ít. Qua 6h thì dù cứu được người bệnh tế bào não cũng không phục hồi được.
Khánh Chi