Reuters: ‘Đốm lửa nhỏ ở Biển Đông có thể cháy lan đến Bắc Kinh’
Tổn thất khi phong trào chống Trung Quốc bùng phát ở Việt Nam là không nhỏ. Theo Reuters, thông điệp mà Bắc Kinh gửi tới các quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sau sự kiện này rất rõ ràng: "Kháng cự Trung Quốc là tốn kém và kết quả là vô ích".
Tuy nhiên, "phong trào chống Trung Quốc" đang ngày càng phát triển tại nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và các tranh chấp chủ quyền đang bóp méo tăng trưởng thương mại và kinh tế sẽ dìm Bắc Kinh vào biển lửa.
Reuters bình luận, Về lâu dài, cam kết giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những nhượng bộ nhất định trong các tuyên bố lịch sử sẽ có lợi hơn nhiều cho Trung Quốc hơn con đường mà quốc gia này đang bước đi.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp Lực lượng kiểm ngư Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam. |
Trung Quốc đã có động thái khiêu khích mới nhất bằng cách triển khai một giàn khoan dầu khổng lồ đến Biển Đông. Rõ ràng, họ (Trung Quốc) biết chắc là Việt Nam sẽ phải phản ứng, và Trung Quốc đã chuẩn bị bằng cách gửi theo hơn 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến hải quân để bảo vệ giàn khoan. Hai bên đang vướng vào một bế tắc nguy hiểm khi liên tục va chạm trên biển, sử dụng vòi rồng và các hành vi thách thức khác từ phía Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan dầu là để cố gắng chứng minh rằng Việt Nam đang tham gia một cuộc chơi “tất cả cùng thua” (lose - lose) khi chống lại những "mong muốn và áp đặt" của Trung Quốc.
Nếu Hà Nội bỏ qua các động thái của Bắc Kinh, giàn khoan này sẽ lập tức trở thành “một bằng chứng chủ quyền mới trên biển” để củng cố cho tuyên bố pháp lý của Trung Quốc thành hiện thực. Nếu chống lại, lực lượng kiểm ngư và hải quân Việt nam sẽ bị kéo vào một cuộc đấu tranh kéo dài và tốn kém trước sức mạnh của Trung Quốc. Và nếu cuộc đấu tranh ngoài biển khởi của Việt Nam tiếp tục châm ngòi cho các cuộc biểu tình biến tướng thành bạo lực bởi chủ nghĩa dân tộc giận dữ của người dân thì niềm tin, sự đầu tư của quốc tế ở Việt Nam – chứ không phải ở Trung Quốc - sẽ mất. Theo tính toán của Bắc Kinh, dù sự việc diễn ra theo cách nào thì Việt Nam cũng là phía thua cuộc.
Trung Quốc không muốn xung đột với các nước láng giềng, nhưng khi nói đến tranh chấp lãnh thổ, chính phủ Trung Quốc quyết định sẽ chơi ván cờ hết sức cứng rắn nhưng lại muốn ít rủi ro xảy ra. Bắc Kinh sẽ làm mọi thứ để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình, nhưng thận trọng tránh xung đột nghiêm trọng hoặc chiến tranh có thể xảy ra bằng cách xuống thang trước khi mất kiểm soát đối với sự việc.
Ngoài sự kiện giàn khoan, các hành động mà Trung Quốc còn tiến hành song song bao gồm việc xây dựng các công trình trên các rạn san hô và bãi cạn trong vùng tranh chấp và hiện bị Trung Quốc chiếm đóng; Tuần tra và tiến hành các nghi lễ trên các đảo/quần đảo đang được các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền như Malaysia; Ra lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương đối với các quốc gia khác trên vùng biển tranh chấp nhưng lại “thả rông” cho ngư dân của mình; và nhiều hơn nữa.
Song song với những hành động đó, Trung Quốc một mặt vẫn tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán quy tắc ứng xử cùng với các quốc gia bị nước này bắt nạt. Mục đích là để ngăn chặn xung đột và ngăn cấm chính xác các loại hành vi mà Trung Quốc đang thực hiện ở trên.
Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc cam kết bảo vệ những gì mà họ xem là lãnh thổ của mình cực kỳ có ý nghĩa vì hai lý do. Trước hết, quốc gia này muốn “dạy” cho các quốc gia hàng hải nhỏ hơn ở Đông Nam Á rằng họ đang tốn sức trước việc chống lại các tuyên bố của Trung Quốc. Về bản chất, Trung Quốc muốn nói rằng: “Chúng tôi sẽ làm điều đó bằng mọi cách, bất chấp dễ dàng hay khó khăn”.
Lực lượng Cảnh sát biển đang thi hành nhiệm vụ chấp pháp, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. |
Thêm vào đó, Trung Quốc thừa biết tuyên bố “đường chín đoạn” của mình bao trùm hầu hết Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Bằng cách tích cực tiến hành các hành động như hiện tại, Bắc Kinh có thể thiết lập một hồ sơ theo dõi sự hiện diện và các hoạt động. Hồ sơ này sẽ giúp Trung Quốc xác định quan điểm, lập trường của mình tốt hơn bao giờ hết khi cần làm rõ tuyên bố của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đúng lời kêu gọi của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Nhưng chiến lược này là quá táo bạo và không khôn ngoan. Hành động của Bắc Kinh mang rủi ro đáng kể, luôn phải cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Sự căng thẳng đó của lực lực không quân và hải quân trong các cuộc đối đầu ở Biển Đông có thể phá vỡ kế hoạch và châm ngòi cho một sự cố dẫn đến leo thang quân sự. Các quốc gia như Việt Nam cũng có thể sẽ tìm một chỗ đứng ngả về một đồng minh khác và chọn cách chiến đấu đến cùng chứ không phải chùn bước trước áp lực của Trung Quốc để mất chủ quyền của mình.
Quyết định như vậy sẽ rất tai hại cho Trung Quốc. Trong Chiến tranh Biên giới với Việt Nam hồi năm 1979, khoảng 60.000 người thiệt mạng. Trung Quốc không có được bất cứ điều gì từ cuộc xung đột đó, thậm chí chính phủ nước này sẽ bị đổ lỗi cho việc làm "trật ray con đường hướng tới hòa bình lâu dài và sự tiến bộ của châu Á".
Thậm chí ngay cả khi tránh né chiến tranh, Bắc Kinh có thể cường điệu hóa sự việc lên mức độ mà các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ bỏ qua “sự lịch sự” và cùng nhau liên kết để chống lại sự thống trị của một Trung Quốc đang trỗi dậy. Mười thành viên của ASEAN vẫn chưa có được sự gắn kết nhất định, nhưng ASEAN đang phát triển mạnh mẽ và đang chào đón vai trò lớn hơn của Mỹ trong khu vực, một phần là do sự cứng rắn của Trung Quốc.
Giờ đây, thông điệp mà Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại có thể hiểu rằng: “Đừng đùa với chúng tôi, vì như thế, các bạn đang đùa với lửa”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng ngọn lửa chỉ cháy đối thủ của mình. Họ sai, "đốm lửa nhỏ" ở Biển Đông hoàn toàn có thể sẽ cháy lan về Bắc Kinh.