Radar Nga mối đe dọa thực sự đối với máy bay tàng hình của Mỹ và NATO
Tạp chí National Interest (NI) của Mỹ trong một ấn phẩm gần đây đã gọi radar Nga Struna-1 là mối đe dọa đối với máy bay tàng hình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo NI, sự khác biệt chính giữa hệ thống này và các radar khác là cấu tạo của máy thu - máy phát của nó đặt ở khoảng cách không gần nhau, cho phép nó đối phó được máy bay trang bị radar tốt hơn.
Tổng cộng hệ thống có thể bao gồm tối đa 10 cặp tháp với máy thu và máy phát ở khoảng cách xa nhau 50 km, do đó khoảng cách lý thuyết của hệ thống là 500 km.
Hệ thống này cũng đối phó hiệu quả với máy bay di chuyển ở độ cao thấp, mặc dù hầu hết radar đều gặp khó khăn trong các tình huống như vậy. Ấn phẩm lưu ý, chiều cao phát hiện mục tiêu tối đa là 7 km. Vùng phủ sóng của radar khá hẹp, khiến Struna-1 không thể thay thế cho các radar cảnh giới thông thường.
Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Mỹ. Ảnh: RIA. |
Đồng thời, NI nhấn mạnh, máy bay tấn công của đối phương buộc phải hoạt động trong khu vực hệ thống radar đặc biệt này vì vậy sẽ gặp khó khăn trước radar của Nga. Struna-1 có một số nhược điểm khiến nó không được sử dụng thay thế cho radar truyền thống, nhưng kết hợp giữa chúng có thể gây ra nhiều vấn đề cho kẻ thù.
Theo các chuyên gia, Radar Struna-1 có thể phát hiện được mục tiêu tàng hình ở khoảng cách 500 km và đủ khả năng tiêu diệt các chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ, nếu kết hợp với các hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-350 và S-400.
Struna-1 là hệ thống radar được thiết kế để phát hiện máy bay tàng hình. Phiên bản đầu tiên của hệ thống này được giới thiệu vào năm 1999, từ đó đến nay Struna đã được hiện đại hóa đáng kể. Struna-1 tiêu tốn và phát ra ít năng lượng, điều này cũng làm cho nó khó bị phát hiện bởi các loại vũ khí chống radar của đối phương.