QZ8501 và 13 vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất 2014
Theo tờ Telegraph, hơn 1.000 người đã thiệt mạng và mất tích trong các vụ tai nạn hàng không trong năm 2014.
Sự biến mất bí ẩn của chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia hôm 28/12 đã khiến không ít người liên tưởng về tai nạn của chuyến bay MH370.
Các vụ tai nạn hàng không trong năm 2014 đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và mất tích. |
* Chuyến bay MH370 chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn, khởi hành từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh ngày 8/3 đã đột ngột biến mất khỏi màn hình radar theo dõi.
Những nỗ lực tìm kiếm với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới đã diễn ra suốt nhiều tháng qua. Cho tới nay, dù đã có vô số giả thuyết được đưa ra nhưng số phận của chiếc máy bay và toàn bộ những người có mặt trên MH370 vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp.
Tuy nhiên, đây không phải là thảm họa hàng không đầu tiên trên toàn thế giới trong năm 2014.
* Trước đó, hôm 19/1, chiếc máy bay hai động cơ loại nhỏ của hãng hàng không tư nhân Intan Air đã bị rơi tại một bãi biển ở Maluku, Indonesia. Vụ tai nạn đã khiến 4 người thiệt mạng bao gồm phi công, hai kỹ sư máy bay và một nhân viên xử lý mặt đất. Chiếc máy bay gặp nạn khi đang trên đường tới Surabaya, Indonesia.
Hình ảnh chiếc máy bay củaIntan Air gặp nạn. |
* Tiếp đó, ngày 1/2, chiếc máy bay Boeing 737-900 của hãng hàng không Lion Air Indonesia chở theo 225 người, đã bị hư hại nặng khi gặp sự cố trong quá trình hạ cánh xuống sân bay Surabaya.
Vụ tai nạn khiến hai hành khách bị thương nặng và ba người bị thương nhẹ. Chiếc phi cơ bật lên bật xuống tới 4 lần sau khi chạm bánh lần đầu xuống mặt đất.
* Tới ngày 11/2, chiếc máy bay quân sự Hercules của Không quân Algeria chở theo 74 người và 4 thành viên phi hành đoàn đã bất ngời đâm phải dãy núi Djebel Fertas.
Theo Bộ Quốc phòng Algeria, thời tiết xấu xung quanh khu vực Oum El-Bouaghi, nơi có ngọn núi Djebel Fertas, là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn trên.
* Ngày 17/5, một chiếc máy bay quân sự Lào bị rơi trong khu rừng thuộc tỉnh Xiangkhouang, cướp đi sinh mạng của 14 người bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lào và Phó Thủ tướng Douangchay Phichit.
Chiếc máy bay quân sự Lào bị rơi trong rừng hôm 17/5. |
* Chỉ sau vài tháng, một chiếc máy bay quân sự khác cũng đã gặp nạn tại miền đông Ukraine. Ngày 14/6, một chiếc máy bay vận tải quân sự Ukraine đã bị bắt rơi khi đang trên đường tới sân bay Luhansk thuộc miền đông Ukraine, khiến toàn bộ 49 người có mặt trên chuyến bay xấu số thiệt mạng.
Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, lực lượng quân đội chính phủ Kiev đang chiến đấu giành lại quyền kiểm soát khu vực trọng điểm này từ tay quân ly khai miền đông Ukraine.
* Không dừng lại, chỉ 1 tháng sau, chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bất ngờ bị rơi tại khu vực miền đông Ukraine khi đang trên hành trình từ Amsterdam tới Kuala Lumpur.
Toàn bộ 298 người có mặt trên chuyến bay MH17 đã thiệt mạng. Sau nhiều tháng điều tra, các quan chức Hà Lan, quốc gia có số người tử vong nhiều nhất trên chuyến bay MH17, chỉ đưa ra kết luận sơ bộ là chiếc máy bay đã bị hủy hoại từ một lực tác động bên ngoài.
Tuy nhiên, cả phương Tây và Ukraine đã không ngừng đổ lỗi cho phe ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine là thủ phạm gây ra thảm họa trên khi sử dụng hệ thống tên lửa Buk để bắn hạ MH17.
Những gì còn sót lại sau khi chuyến bay MH17 bị bắn rơi tại miền đông Ukraine. |
Phía quân nổi dậy miền đông Ukraine đã phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định chính quân đội Kiev dùng tên lửa Buk bắn rơi MH17.
Hôm 24/12, Ủy ban điều tra Nga khẳng định những lời khai của một nhân chứng giấu tên tự nhận đã chứng kiến việc triển khai một chiếc chiến đấu cơ của Ukraine mang theo các tên lửa không đối không vào đúng ngày chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi, là đúng sự thật.
Nhân chứng cho biết anh ta đã nhìn thấy phi công Voloshin điều khiển một chiếc máy bay quân sự mang theo các quả tên lửa không đối không R-60. Điều đáng nói, cả máy bay và tên lửa trên thường không được sử dụng trong các sứ mệnh hàng ngày tại Căn cứ không quân Ukraine bởi phe ly khai tại miền đông không sở hữu loại chiến đấu cơ này.
Cho tới nay, kết luận cuối cùng đâu là nguyên nhân và ai là thủ phạm khiến chuyến bay MH17 gặp nạn vẫn là chưa có lời giải đáp. Trong khi, các bên liên quan vẫn không ngừng đổ lỗi cho nhau.
* Điều đáng nói, tháng Bảy là một tháng vô cùng tồi tệ với ngành hàng không thế giới trong năm 2014.
* Điển hình, hôm 7/7, chiếc trực thăng quân sự Mi 171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam đã bị rơi tại thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay Hòa Lạc khoảng 3 km. Vụ tai nạn khiến 20 chiến sĩ hy sinh, một người bị thương nặng.
Hiện trườngchiếc trực thăng quân sự Mi 171 rơi. |
* Sau một tuần xảy ra vụ tai nạn trên, 5 người khác cũng đã tử vong khi chiếc trực thăng quân sự huấn luyện tại Campuchia bị rơi gần thủ đô Phnom Penh.
* Tới ngày 23/7, chiếc máy bay ATR-72 mang số hiệu GE222 của hãng hàng không TransAsia Airways Đài Loan đã rơi tại đảo Bành Hổ, phía tây nước này trên hành trình từ Kaohsiung tới đảo Penghu. Nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do máy bay đi vào vùng thời tiết xấu vì chịu ảnh hưởng của cơn bão Matmo. Vụ tai nạn đã khiến 48 người thiệt mạng và 10 người bị thương.
10 người may mắn sống sót sau khi chiếc máy bay ATR-72 của Đài Loan gặp nạn. |
* Sau đúng 1 ngày (tức 24/7), một chuyến bay của hãng hàng không Air Algérie đã gặp nại tại Mali, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 116 người. Nguyên nhân gây tai nạn được xác định là do máy bay đã đi vào vùng thời tiết cực xấu.
* Sang tháng Tám, chuyến bay 5915 của hãng hàng không Sepahan Airlines của Iran đã bị rơi chỉ vài phút sau khi máy bay cất cánh. Mặc dù, cú va chạm dưới mặt đất không cướp đi sinh mạng của mọi người có mặt trên chuyến bay nhưng sau đó, 39/48 hành khách và phi hành đoàn đã tử vong do máy bay bốc cháy.
* Gần nhất là ngày 28/12, chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia Flight chở theo 162 hành khách cùng phi hành đoàn trên chiếc máy bay A320, khởi hành từ Indonesia tới Singapore đã biến mất một cách kỳ lạ chỉ sau 42 phút cất cánh. Yếu tố thời tiết xấu hiện được xem là nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của QZ8501.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay QZ5801 không thể cầm nước mắt khi chứng kiến những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường các thi thể trôi nổi trên đảoBorneo. |
Sau hàng loạt tin đồn liên quan tới vị trí và nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn cùng nỗ lực cứu hộ đến từ lực lượng các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Mỹ, Úc, …, tới chiều ngày 30/12, những mảnh vỡ đầu tiên và thi thể của hàng chục hành khách trên chuyến bay QZ8501 đã được phát hiện và trục vớt khi đang trôi nổi ngoài khơi đảo Borneo của Indonesia.
Các nhân viên cứu hộ chuẩn bị sẵn túi đựng các thi thể trục vớt từ vụ tai nạn QZ5801. |
Các quan chức Indonesia hy vọng họ sẽ sớm tìm thấy chiếc hộp đen trên chuyến bay QZ5801 để tìm ra nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn.
Đoạn clip dài 1 phút điểm lại một số vụ tai nạn hàng không trong năm 2014 của Telearaph. |
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang điện tử của tờ Telegraph (Anh), một nhật báo khổ rộng phát hành buổi sáng hàng ngày tại Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác.