Quân nổi dậy lo sợ ông Assad chiến thắng
Toàn bộ đất nước đều bị hủy hoại, trong đó có thành phố Aleppo, phía Bắc Syria, nơi được coi là nơi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng. Tuần trước, quân nổi dậy để mất thêm một khu vực trong thành phố về tay lực lượng vũ trang Hezbollah, đồng minh của quân chính phủ Syria.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. |
Trong khi thành phố Aleppo đang bị bao vây tứ phía và cuộc chiến vẫn diễn ra rất căng thẳng, Mỹ đã đưa ra một thỏa thuận với Nga, qua đó hai nước sẽ tập trung tâm chỉ huy chung nhằm phối hợp tấn công nhằm vào cứ điểm của các tổ chức khủng bố Mặt trận Nusra và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Động thái trên đã khiến nhiều lực lượng đối lập trở nên tuyệt vọng, bởi họ cho rằng thỏa thuận giữa Moscow và Washington sẽ càng củng cố vị thế cho phe Tổng thống Bashar al-Assad, người mà 12 tháng trước còn đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Không những vậy, tuần trước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký hiệp ước hòa giải sau 7 tháng căng thẳng quan hệ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara hiện đang muốn xây dựng quan hệ với Damascus.
“Điều này cho thấy Assad không còn gặp nguy hiểm nữa”, thủ lĩnh của một nhóm vũ trang nổi dậy ở Syria được Mỹ hậu thuẫn cho biết. “Như vậy có nghĩa là ông ta đã thắng”.
Trong con mắt của phe đối lập ở Syria, những sự hòa giải chính trị trên đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong một cuộc chiến mà họ tin rằng họ không còn cơ hội giành chiến thắng. Trong những năm gần đây, khi đồng minh của ông Assad đã làm suy yếu sức mạnh của quân nổi dậy, nhiều thủ lĩnh tin rằng nếu họ không thể chiến thắng trong cuộc nội chiến thì ông Assad cũng không thể tồn tại. Nhưng quan điểm này nay đã thay đổi.
“Tôi đang sống trong một căn nhà đổ nát ở phía Đông Aleppo”, ông Abu Sobhi Jumail, một thành viên lực lượng nổi dậy Syria đã tham gia chiến đấu trong 5 năm qua. “Trên trời là máy bay của Nga hoặc của chính phủ Syria. Phía đông là IS, phía bắc có Hezbollah và ở giữa hai lực lượng đó là Mặt trận Nusra. Mỹ bỏ mặc chúng tôi và sau đó lên án khi chúng tôi buộc phải liên kết với Nusra. Nếu không có chúng thì chúng tôi đều đã bỏ mạng một năm về trước rồi. Đây không còn là vấn đề chính trị nữa mà là vấn đề sống còn”.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Syria cũng không tập trung chống lại các phần tử khủng bố mà là nhằm tấn công cộng đồng người Kurd ở phía Nam đất nước. Mặc dù đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Assad, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đặt điều kiện rằng lực lượng người Kurd ở Syria phải bị kiềm chế bằng nhiều hình thức.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.