Quan hệ với Trung Quốc, châu Phi được lợi hay hại?
Trung Quốc ngày càng hiện diện trong nhiều lĩnh vực tại châu Phi |
Ông Peter Eigen – một thành viên trong Ủy ban Tiến bộ châu Phi do ông Kofi Annan điều hành đã có những phân tích về mối quan hệ giữa Trung Quốc – châu Phi.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của châu Phi, trong cả lĩnh vực thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trên khắp lục địa châu Phi, những con đường bộ, đường sắt, cảng, sân bay và nhiều công trình khác đang dần được lấp đầy khoảng trống mà các nguồn tài trợ phương Tây vẫn còn "rụt rè" chưa đầu tư. Đây là một bước tiến giúp mở hướng phát triển kinh tế cho lục địa đen.
Điển hình như việc Trung Quốc đầu tư tiền khôi phục cung đường sắt Benguela dài 840 dặm (1.352 km), kết nối khu vực bờ biển Đại Tây Dương của Angola với Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia. Ngoài ra, con đường này giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ nội địa Ethiopia tới khu cảng chiến lược Djibouti – cơ sở chuyên xuất khẩu các loại gia súc.
Mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc – châu Phi tiếp tục tăng trưởng với tốc cực nhanh từ 9 tỷ USD năm 2000 lên 160 tỷ USD năm 2011.
Tuy nhiên, 90% hoạt động thương mại giữa Trung Quốc – châu Phi vẫn chỉ tập trung vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, quặng và khoáng chất. Hoạt động xuất khẩu các nguồn tài nguyên tự nhiên không thể giúp châu Phi phát triển mạnh tương tự như trường hợp của Nigeria và Angola – 2 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất khu vực hạ Sahara.
Trước hết, dầu mỏ và khai thác than không phải là những ngành công nghiệp có khả năng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân mà chỉ giúp tạo ra con số tăng trưởng kinh tế trước mắt.
Thứ hai, như Hà Lan vào thập niên 60 và Na Uy ngày nay, trữ lượng khoáng chất và dầu mỏ lớn có thể làm suy giảm giá trị đồng tiền nội địa, đẩy giá cả các mặt hàng xuất khẩu khác leo thang như các sản phẩm nông nghiệp, khiến hoạt động giao thương ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, thiếu sự kiểm soát khắt khe, lợi nhuận thu được từ kinh doanh dầu mỏ và khoáng chất sẽ có khả năng bị tham nhũng, tác động tiêu cực tới sự phát triển của đất nước.
Trong đó điểm nhấn là việc Trung Quốc chưa nằm trong danh sách các nước thuộc Sáng kiến minh bạch các ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) – một tổ chức chuyên giám sát hoạt động thu chi, kiểm toán và tính minh bạch thông tin trong quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu và khả năng tiếp cận rộng rãi với thị trường quốc tế được xem là 2 vấn đề mấu chốt mà Trung Quốc chưa hỗ trợ được cho châu Phi.
Các quan chức thuộc Ủy ban Tiến bộ châu Phi cho rằng rất ít bằng chứng cho thấy Trung Quốc tiến hành cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của châu Phi giao thương bên ngoài lục địa đen. Trong khi đó, Nam Phi và nhiều nhà sản xuất khác thường xuyên than phiền về việc phải cạnh tranh với hàng dệt may Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chưa bao giờ đưa ra được bất cứ một đột phá quan trọng nào trong các cuộc đàm phá khí hậu có lợi cho các quốc gia châu Phi.
Mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi đem lại lợi ích gì?
Trước tiên, các quốc gia châu Phi cần hướng nền kinh tế tránh lệ thuộc vào hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên với Trung Quốc. Chiến lược này sẽ giúp châu Phi không còn chịu sự chi phối của nền kinh tế Trung Quốc và giá cả hàng hóa lên xuống trên toàn cầu.
Hoạt động giao thương với Trung Quốc giúp châu Phi cô lập khỏi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, nền kinh tế châu Phi vẫn chịu tổn thương từ sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc.
Đồng nghĩa với việc, các quốc gia châu Phi cần chuẩn bị các phương án khi một ngày hết tài nguyên thiên nhiên để bán. Ủy ban Tiến bộ châu Phi cho rằng châu Phi cần chuyển giá trị tài nguyên thiên nhiên sang vốn nhân lực thông qua đầu tư vào y tế và giáo dục.
Thứ hai, các quốc gia châu Phi cần khuyến khích Trung Quốc đầu tư vào những lĩnh vực tạo ra thêm công ăn việc làm. Do châu Phi là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nhất thế giới nên tạo thêm công ăn việc làm được coi là mối ưu tiên hàng đầu.
Theo một số nhà phân tích, khi mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi dần chuyển từ quan hệ liên chính phủ sang đối tác kinh doanh, tiềm năng ngành công nghiệp sản xuất sẽ vô cùng to lớn đặc biệt trong ngành nghề dệt may và quần áo. Tình trạng giá thuê nhân công người Trung Quốc ngày càng tăng cao sẽ khiến các nhà sản xuất hàng xuất khẩu chuyển sang thị trường lao động châu Phi giá rẻ.
Điển hình như các xưởng sản xuất tại Zambia – nơi mà khoảng 300 công ty của Trung Quốc thuê tới 25.000 công nhân lao động địa phương. Hay ngành sản xuất giày dép của Ethiopia đã thu được lợi nhuận cao từ khoản đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vừa tạo thêm công việc và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Thứ ba, các quốc gia châu Phi có thể thỏa thuận với các nhà đầu tư Trung Quốc trong việc kiểm soát chất lượng và tạo mối liên kết bền vững hơn với các ngành nghề kinh tế của địa phương. Chính phủ châu Phi có thể hối thúc Trung Quốc tăng cường khả năng tiếp cận với thị trường hàng hóa quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Phi cho rằng những dự án của Trung Quốc chưa thực sự sử dụng đủ số nhân công sở tại, cũng như truyền dạy kỹ năng và chuyển giao công nghệ.
Thứ tư, ngay cả khi các công dân châu Phi được tuyển dụng, họ vẫn luôn làm việc trong điều kiện dưới mức tiêu chuẩn. Những báo cáo của tổ chức Giám sát Nhân quyền từng chỉ ra những điều kiện làm việc hết sức nguy hiểm trong những mỏ khai thác tại Zambia. Hậu quả là từng xảy ra những tranh chấp tại một mỏ khai thác đồng tại Zambia khiến 2 viên quản lý Trung Quốc xả súng vào thợ mỏ năm 2010, mới đây vào tháng 8, một viên quản lý Trung Quốc cũng đã tử vong.
Thứ năm, châu Phi vẫn có thể biến mình trở thành một môi trường kinh doanh thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp. Bởi Ủy ban Tiến bộ châu Phi xem quá trình hội nhập kinh tế trong khu vực là ưu tiên hàng đầu. Khả năng trong tương lai, châu Phi sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới.
Theo giới chuyên gia, hoạt động kinh doanh của Trung Quốc vào châu Phi ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với việc mối quan hệ giữa 2 quốc gia không chỉ còn giới hạn trong quan hệ liên chính phủ. Do đó, việc khẳng định mối quan hệ trên là tốt hay xấu rất khó để quyết định. Song một điều chắc chắn là sự hiện diện của Trung Quốc là một phần trong những thay đổi nhanh chóng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho lục địa đen.