Quan hệ Nga - Trung chưa phải 'cơn ác mộng' lớn nhất của Mỹ
Theo tờ New York Post (NYP), cả Nga và Trung Quốc đều đang "hả hê" trước thể hiện yếu thế của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế hiện nay, đặc biệt là ở các điểm nóng như Ukraine, Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng đánh giá thấp Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, nước Nga dưới sự lãnh dạo của ông Putin đang bị cô lập và đang trên bờ vực phá sản.
Từ trái sang, Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hồi cuối năm 2014. |
Tuy nhiên, dường như ông Obama đã thay đổi suy nghĩ đó khi sau nhiều tháng lạnh nhạt với Moscow, hôm 12/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải đích thân tới Nga, như một động thái "làm lành" với Nga.
NYP cho rằng, điện Kremlin dường như muốn tỏ thái độ "không nhiệt tình" với Washington bằng cách đợi đến phút cuối mới xác nhận cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Kerry.
Sau đó, ông Kerry ngượng ngùng cho biết hai bên không có được "bước đột phá lớn" nào.
Việc Nga - Trung bắt tay trong các cuộc biểu quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể sẽ ngăn chặn các kế hoạch và đề nghị của Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây ví dụ như vấn đề Syria hay Ukraine, giảm đáng kể vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, hôm 15/5, tờ Huffington Post dẫn lời một giáo sư Đại học Havard cho rằng, "cơn ác mộng" thực sự của Mỹ không phải là cái bắt tay Nga - Trung mà là một liên minh kinh tế - chính trị Nga - Trung - Đức. Một liên minh như vậy sẽ tác động lớn tới vị thế của Mỹ trong các vấn đề quốc tế và Mỹ có thể sẽ mất đi vị trí đứng đầu các nước đang phát triển.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Tổng thống Nga Putin tại Moscow hồi tuần trước. |
Theo tiến sĩ Ichak Kalderon Adizes, người sáng lập kiêm chủ tịch viện tư vấn phát triển hàng đầu của Mỹ Adizes, lo sợ trên đang diễn ra. Nguyên nhân là do những tư tưởng sai lầm trong chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ hiện nay.
Ông Adizes cho rằng, trong nhiều năm qua, Mỹ đã muốn Tổng thống Nga Vladimir Putin từ bỏ vị trí của mình bằng cách cố làm giảm uy tín của ông và gây khó khăn cho nền kinh tế Nga bởi Nga luôn phản đối các chiến lược của Mỹ ở Afghanistan, Syria, Libya hay Iran.
Cũng theo ông Adizes, để làm suy yếu ông Putin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ủng hộ cuộc cách mạng chống chính phủ ở Kiev hồi cuối năm 2013 và đầu năm 2014, hối thúc Ukraine gia nhập NATO.
Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cố tách Moscow ra khỏi hệ thống tài chính thế giới và hợp tác với Ả Rập Xê-út để làm giá dầu giảm.
Tổng thống Nga Putin choàng áo cho Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một sự kiện. |
Tuy nhiên tất cả những chính sách trên của Mỹ đều phản tác dụng. Do những bất ổn ở Ukraine, ông Putin đã dễ dàng sáp nhập Crimea của Ukraine. Dù tình hình kinh tế Nga hiện đang có nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt từ phương Tây nhưng đó chưa được coi là một vấn đề lớn đối với Nga. Nga đã sống sót qua thời Napoleon, qua Thế Chiến II thì cũng có thể sống sót qua các biện pháp trừng phạt đó.
Không sống sót và tồn tại, người dân Nga hiện đang đoàn kết và ủng hộ ông Putin hơn bao giờ hết nhằm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Đó là một truyền thống lâu đời của Nga. Hiện nay, hầu hết người dân Nga đều xem ông Putin như một vị anh hùng dân tộc, đã giành Crimea và bảo vệ những người dân tộc Nga ở miền Đông Ukraine.
Họ xem hành động của ông là một cách lấy lại danh dự của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã.
Hơn nữa, để phản ứng với các biện pháp trừng phạt, Nga đang tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Không chỉ có các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và kinh tế, Bắc Kinh và Moscow còn kí một thỏa thuận hợp tác về chống các cuộc tấn công mạng, và chắc chắn mục tiêu chính là Mỹ.
Trong lễ diễu binh kỉ niệm Ngày Chiến thắng hôm 9/5 vừa qua tại Moscow, trong khi ông Obama cùng hầu hết các đồng minh phương Tây từ chối lời mời của điện Kremlin, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nhiệt tình tới dự. Ông ngồi thoải mái và tỏ ra thân thiết ngay bên cạnh ông Putin.
Chưa kể đến việc Đức sẽ tham gia vào mối quan hệ song phương đang tốt đẹp này. Dù không dễ dàng gì nhưng khả năng này vẫn có thể xảy ra. Nền kinh tế Nga - Đức đang phụ thuộc nhau rất lớn. Hai nước có mối quan hệ hợp tác rất lâu đời, chỉ trừ giai đoạn Thế chiến II. Thực ra, họ đã thành lập một liên minh trước khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939.
Về mặt địa lý, Đức cũng gần Nga hơn so với Mỹ. Với đối tác Nga, Đức sẽ có được tiếng nói hơn trên các đấu trường thế giới. Trong mối quan hệ liên minh với Mỹ hiện nay, Đức đang ở thế thấp hơn. Nhưng nếu trở thành đồng minh của Nga, Đức sẽ có vị trí ngang hàng, không bị yếu thế hơn.
Kết quả cuối cùng, phần thiệt thòi chỉ thuộc về Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ New York Post và tờ Huffington Post của Mỹ.