Quan hệ Mỹ - Anh: “Tình bỗng chốc là không”
Từ trước tới nay, giới lãnh đạo Mỹ và Vương quốc Anh vẫn thường miêu tả mối quan hệ song phương giữa hai nước là "đặc biệt" xét dưới nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt trong nỗ lực phối hợp để thúc đẩy chiến lược chung trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ " Thời báo Tài chính" (Anh), giờ đây Washington không còn thấy bất cứ điều gì "đặc biệt" trong quan hệ với London
Trong quá khứ, nước Anh từng là đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Nhưng nay mọi việc đã bắt đầu thay đổi. Vương quốc Anh tránh xa cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và cả cuộc xung đột gần đây ở miền Đông Ukraine.
Không những thế, họ còn cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng và phớt lờ cảnh báo của Mỹ để tham gia sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung quốc khởi xướng. Sớm hay muộn, Tổng thống Barack Obama cũng phải chấp nhận một thực tế rằng chính phủ được hình thành sau cuộc tổng tuyển cử vào ngày 7/5 vừa qua tại nước Anh sẽ chú tâm hơn đến đối nội với những vấn đề "nóng" như xem xét lại tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) hay sự ủng hộ nền độc lập của Scotland.
Giới chức Mỹ vẫn khẳng định rằng họ coi trọng quan hệ hợp tác rất khăng khít quân sự và tình báo với phía Anh. Tuy nhiên, họ cũng ngán ngẩm khi thấy rằng chính phủ hiện nay ở London rất miễn cưỡng nếu phải tăng cường vai trò trên phạm vi toàn cầu. "Họ vẫn là những người đầu tiên mà chúng tôi gọi điện. Nhưng đôi khi họ không còn muốn can dự nữa", một quan chức cấp cao của Mỹ nói.
Tính chất "đặc biệt" trong mối quan hệ giữa London và Washington cũng bao hàm yếu tố tuyên truyền, quảng bá cho một nước Anh tìm lại vị thế thời kỳ hậu thực dân. Nhìn lại lịch sử, các chính phủ ở Mỹ đều đánh giá cao vai trò của nước Anh như là "cầu nối" giữa khu vực Bắc Mỹ với EU, là trung gian dàn xếp các vấn đề nội bộ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và là đối tác tin cậy bất cứ khi nào nổ ra khủng hoảng.
Theo cựu Đại cứ Mỹ tại NATO Nicholas Burns, cho đến thời điểm gần đây, nước Anh vẫn là đồng minh có tiềm lực, gắn bó và đáng tin cậy nhất của Mỹ. Tuy nhiên, ông Burns không giấu nổi những lo ngại rằng Anh quốc đang đánh mất vai trò trung tâm trong các vấn đề toàn cầu".
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một Hội nghị quốc tế. |
"Điều dễ nhận thấy đó chính là cách thức mà Thủ tướng Đức Angela Merkel trở thành nhà lãnh đạo không phải bàn cãi của cả châu Âu", ông nói. Mặc dù không tham gia Eurozone, nhưng giới chức Anh vẫn phủ nhận quan điểm cho rằng Đức có tiếng nói quyết định tại các cuộc thảo luận về đồng euro. Họ cũng không đồng ý với ý kiến cho rằng Đức đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bởi Berlin duy trì mối quan hệ cân bằng với Moskva.
Tuy nhiên, Mỹ cho rằng mọi quan ngại đều xuất phát từ việc nước Anh cắt giảm đáng kể các nguồn lực quân sự. Thời gian qua, quân số của lực lượng vũ trang Anh đã giảm từ 102.000 người xuống còn 82.000 người. Ngân sách dành cho quốc phòng co lại, khiến các chương trình mua sắm bị đình đốn. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power gọi việc cắt giảm ngân sách quốc phòng ở nước Anh và chấu Âu là "rất đang lo ngại".
Tháng trước, tướng Ray Odierno Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, cảnh báo rằng việc nước Anh cắt giảm nguồn lực quốc phòng buộc Lầu năm góc phải điều chỉnh và cân nhắc xem hai nước còn có thể hợp tác ở những lĩnh vực nào".
Với thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband, nước Mỹ rất ít xuất hiện trong những bài phát biểu tranh cử của ông về chính sách đối ngoại. Và dĩ nhiên Washington hẳn còn nhớ ông Miliband là người đã phản đối kế hoạch không kích của Mỹ ở Syria năm 2013.
Trong khi đó, Thủ tướng David Cameron lại cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của nước Anh nếu đảng Bảo thủ do ông lãnh đạo chiến thắng tại tổng tuyển cử. Đây là điều mà Mỹ không bao giờ muốn xảy ra, bở theo họ, tư cách thành viên EU sẽ giúp nước Anh duy trì ảnh hưởng quốc tế.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Cameron có thể sẽ phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu quân sự để đáp ứng mục tiêu ngân sách. Theo chuyên gia Frank Hoffman thuộc Đại học quốc phòng Washington, xu thế hướng nội sẽ chiếm vai trò chủ đạo tại Anh. ông cho rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ khiến vị thế nước lớn của Anh ngày càng bếp bênh hơn. Tâm trạng thất vọng ở Washington có dịp bùng phát công khai khi nước Anh quyết định tham gia sáng kiến thành lập AIIB của Trung Quốc.