Quân đội Trung Quốc: Tham nhũng, vô kỷ luật, “non” kinh nghiệm nhất
Quân đội Trung Quốc: Tham nhũng, vô kỷ luật, “non” kinh nghiệm nhất
Giới võ biền “lên ngôi”?
Đây hoàn toàn không phải là một sự “cảnh báo sớm” hay tệ hơn nữa là “lo sợ vu vơ” bởi Nhật Bản nhận định rằng quân đội Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra hiếu chiến trong khi lực lượng này có vai trò ngày càng lớn hơn trong việc định hình chính sách đối ngoại của chính phủ nước này.
Trong Sách Trắng quốc phòng 2012, Tokyo cho rằng điều nguy hiểm là mối quan hệ giữa quân đội và đảng cộng sản Trung Quốc đang trở nên ngày càng phức tạp. Trong một diễn biến xấu nhất, nếu phe quân đội Trung Quốc nắm được quyền lực lớn hơn sau đại hội đảng 18 mà nước này đang chuẩn bị tổ chức, rất có thể đường lối đối ngoại của Trung Quốc sẽ có những thay đổi rất lớn và không loại trừ việc “họ” sẽ hành động cứng rắn hơn, hiếu chiến và hung hăn hơn.
Thực tế, không phải đến khi cuốn sách trắng quốc phòng này được công bố người ta mới nhận thấy thái độ này của các tướng lĩnh cấp cao Trung Quốc. Ngay trong năm 2012 này đã nhiều lần những người đứng đầu các cơ quan hàng hải, các cố vấn tình báo hay quan chức trong bộ quốc phòng Trung Quốc lên tiếng đòi phải cho láng giềng nghe “tiếng đại bác trên biển Đông” hay cần phải “phát động chiến tranh để giải quyết vấn đề biển Đông”…
Liên quan đến những tranh chấp trên biển, bao gồm cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Nhật Bản đã nhắc lại quan điểm đã được họ nói trong Sách trắng 2011 rằng Trung Quốc ngày càng có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế nhưng đồng thời cũng tỏ ra ngày càng hung hăng hơn. “Trung Quốc đã hành xử một cách đáng lên án trong các vấn đề giải quyết mâu thuẫn với Nhật Bản hay nhiều nước láng giềng khác trong lúc dư luận ngày càng quan ngại hơn về định hướng phát triển của họ”, Sách trắng 2012 của Nhật Bản viết.
Vậy điều mà Nhật Bản và một số nước láng giềng lo ngại ấy có khả năng lớn đến đâu? Các tín hiệu và “tin đồn” từ nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy điều này là “rất có thể”. Người ta cho rằng, thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 18 sẽ có thành viên là đại diện của quân đội, điều rất hiếm khi xảy ra trong vòng hơn 30 năm nay. Mới đây tờ “Tinh đảo” của Hong Kong cho biết, có tướng lĩnh Trung Quốc đã đề xuất nếu đại hội đảng 18 của Trung Quốc vẫn thực thi cơ chế Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 người thì phía quân đội cần có 2 đại diện và trong Bộ Chính trị số ghế của phe quân đội sẽ là 5. Nếu điều này thành hiện thực, có thể nói phe quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị có một thế lực vô cùng lớn và khả năng họ tác động để thay đổi chính sách đối ngoại cũng như cách giải quyết các cuộc tranh chấp với láng giềng là không thể loại trừ.
Quân đội mạnh trong tay những kẻ “thiếu đầu óc”
Việc giới quân đội có quyền lực lớn hơn trong chính phủ Trung Quốc sẽ còn trở nên nguy hiểm hơn nữa khi đội quân này hiện đang chứa chấp không ít những thành phần “đi lên bằng tiền” chứ không phải bằng năng lực thực sự.
Mới đây, hãng tin AFP đã trích dẫn một bài báo của tạp chí “Le Nouvel Obsevateur” cho biết, nạn mua quan bán chức đang diễn ra công khai trong quân đội Trung Quốc. “Mặc dù là cường quốc quân sự thứ 2 trên thế giới song quân đội Trung Quốc là một trong những quân đội tham nhũng nhất, vô kỷ luật nhất và thiếu kinh nghiệm nhất”, tạp chí “Le Nouvel Obsevateur” viết.
Theo tạp chí này, quy mô quân đội Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần trong vòng 20 năm qua, không chỉ về quân số mà còn cả về vũ khí, khí tài nhờ nguồn ngân sách cho quốc phòng tăng chóng mặt. Sự thay đổi “phi thường” này khiến Mỹ vô cùng lo ngại và buộc phải thay đổi chiến lược quốc phòng, chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương.
Điều nguy hiểm là một tiềm lực quân sự mạnh mẽ như thế lọt vào tay của những kẻ “thiếu đầu óc”, ham thích bạo lực và ưa chuộng sự hung hăng, hiếu chiến nhằm xây dựng uy tín cho bản thân mình. Lưu Nguyên, chính ủy Tổng cục Hậu cần, quân đội Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo: Quân đội Trung Quốc đang ngấp nghé miệng vực bởi nạn tham nhũng. “Tham nhũng có thể sẽ dẫn chúng ta đi đến thất bại trước khi viên đạn đầu tiên được bắn ra”, tướng Lưu Nguyên nói.
Kể từ năm 2006, các chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đã được tiến hành nhưng kết quả lại vô cùng hạn chế. “Le Nouvel Obsevateur” trích lời một quan chức ngoại giao cho biết: “Chưa có một quân đội nào trên thế giới có nhiều xe hơi hạng sang đến như thế. Từ Porsche, siêu xe V8… đều được sử dụng cho các mục đích tư”.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận xét rằng, nạn mua quan bán chức này có thể leo đến tận cấp sư đoàn và các loại quân hàm được mua bán có thể lên tới cấp tướng. Tất nhiên, ai cũng hiểu tham nhũng trong lòng quân đội sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm giảm chất lượng của các lực lượng quân đội, ngăn cản sự góp mặt của các đối tượng xuất chúng và gây ra những mối oán hận và làm suy yếu tinh thần đồng đội…
Đã sẵn sàng bước lên sân khấu
Dù nói gì thì những diễn biến gần đây cho thấy có vẻ như giới quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng bước lên sân khấu và nắm giữ cơ hội “được thể hiện sức mạnh” của mình.
Đến nay, trước khi đại hội 18 khai mạc, Trung Quốc đã hoàn thành việc thay đổi thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, khu ủy của toàn bộ 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu tự trị. Trong số 402 ủy viên của thường vụ đảng ủy cấp tỉnh, có 29 nhân vật là người của quân đội. Trong số này, có 8 người là tư lệnh quân khu củ 8 tỉnh và khu tự trị như: Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây, Hà Bắc, Hải Nam, Cát Lâm và Bắc Kinh. Số 21 người còn lại cũng là những Chính ủy quân khu của 21 tỉnh, thành, khu tự trị. Đáng chú ý là những ủy viên thường vụ đảng ủy cấp tỉnh ở một số tỉnh, khu tự trị như: Thiên Tân, Hà Bắc, Phúc Kiến, Quảng Tây, Nội Mông và Tân Cương là có vị trí tương đối cao.
Minh Tân
Tổng hợp