Quân đội Mỹ "phô cơ bắp" bao nhiêu lần trên Biển Đông trong năm nay?
Theo bản báo cáo từ Viện Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Peking, trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 11/2019, Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tổ chức ít nhất 85 cuộc tập trận chung với nhiều quy mô khác nhau nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Báo cáo nhấn mạnh, mục đích của Mỹ là tăng cường sự hiện diện trong khu vực cũng như mở rộng năng lực quốc phòng cho các nước đồng minh.
Dàn chiến hạm Mỹ tham gia một cuộc tập trận. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
“Thông qua các cuộc tập trận, Mỹ đang tăng cường khả năng cùng phối hợp hoạt động với các quốc gia khác và mở rộng sự hiện diện quân sự để đối phó trước sự trỗi dậy của Trung Quốc với vai trò là một cường quốc hàng hải. Dường như Mỹ sẽ còn tiến hành thêm các cuộc tập trận liên quan tới năng lực chiến đấu trọng tâm nhằm giải quyết mối đe dọa an ninh hiện hữu trong khu vực”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nội dung báo cáo của SCSPI.
Trong số các cuộc tập trận song phương và đa phương được Mỹ tiến hành ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm nay, Philippines tham gia ít nhất 16 lần, Thái Lan 9 lần và Singapore 6 lần.
Báo cáo cho rằng, dù Singapore và Thái Lan không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, song mối quan hệ quân sự giữa hai quốc gia Đông Nam Á với Mỹ đang ngày càng được thắt chặt.
Cụ thể, trong cuộc tập trận mang tên “Pacific Griffin” diễn ra từ ngày 24/9 – 10/10 ở ngoài khơi đảo Guam, hải quân Mỹvà Singapore đã lần đầu tiên triển khai tập trận phối hợp tác chiến chống tàu chiến mặt nước, chống ngầm, phòng không và phóng tên lửa.
“Bằng việc thêm các nội dung mới trong diễn tập thường xuyên và tập trung vào khả năng sẵn sàng chiến đấu, các cuộc tập trận ngày càng trở nên chuyên nghiệp và nhắm vào mục tiêu cụ thể hơn”, báo cáo viết.
Tương tự, trong cuộc tập trận “COPE Tiger” diễn ra hồi tháng Ba với sự tham gia của Mỹ - Thái Lan – Singapore, Mỹ đã dùng các chiến đấu cơ F-16 để tiêu diệt hệ thống phòng không của “đối phương” đồng thời tăng cường khả năng tấn công không đối đất cho không quân Thái Lan.
Ngoài ra, Mỹ còn mời những đồng minh khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tham gia tập trận trên Biển Đông nhằm “lôi kéo ba quốc gia này vào vấn đề ở khu vực”.
“Sự tham gia của các nước đồng minh sẽ hỗ trợ quân đội Mỹ tăng cường năng lực chiến đấu”, SCSPI nhận định.
Căng thẳng Mỹ - Trung đang ngày càng gia tăng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà đặc biệt là tại Biển Đông. Nguyên nhân xuất phát từ việc lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.
Cụ thể, hải quân Mỹ liên tục điều động tàu thuyền tới "làm nhiệm vụ tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải" ở Biển Đông.
Hôm 13/12, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John Aquilino đã chỉ trích hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng theo ông Aquilino, Mỹ duy trì cam kết lâu nay ở khu vực.
Trong khi đó, Chỉ huy Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Tướng Charles Brown cho biết không quân Mỹ thường xuyên tiến hành hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, dù những sứ mệnh này không bị chú ý nhiều như hải quân Mỹ.
Còn theo nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế ở Singapore, ông Collin Koh, hoạt động tăng cường năng lực cùng phối hợp giữa Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực sẽ tạo tác động tới kế hoạch quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Những cuộc tập trận trên không chỉ nâng cao năng lực và khả năng cho hải quân các nước ASEANmà còn tạo điều kiện cho hải quân những nước này hành động cùng Mỹ một cách dễ dàng hơn khi cần”, ông Koh kết luận.