Quân đội Hàn Quốc báo động cao vì Triều Tiên
Hôm nay, quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi Triều Tiên đe dọa tấn công. |
Theo Park Sang-hak, người tổ chức sự kiện thả bóng bay truyền đơn, cho biết nhóm Những người đấu tranh cho một Triều Tiên tự do - nhóm của những người Triều Tiên đào ngũ - sẽ thả 200.000 quả bóng có in nội dung tuyên truyền từ vùng Imjingak gần Khu phi quân sự hóa vào lúc 11 giờ trưa nay (giờ địa phương) mặc dù trời đang mưa nhẹ.
Hãng tin Yonhap, hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà hoạt động này có được phép tiến hành sự kiện này như kế hoạch không do quân đội và cảnh sát Hàn Quốc đã cấm dân thường bao gồm du khách, người dân và các nhà báo, đi vào vùng Imjingak kể từ 8:40 sáng.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ sau khi tình hình căng thẳng có dấu hiệu dịu bớt.
Hôm 19/10, Triều Tiên tuyên bố quân đội nước này sẽ tiến hành một “cuộc tấn công quân sự không khoan nhượng” nếu phát hiện ra bất kỳ hành động thả truyền đơn nào.
Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc đã phản ứng trước cảnh cáo của Triều Tiên một cách cứng rắn, tuyên bố rằng quân đội nước này đã chuẩn bị để “tiêu diệt hoàn toàn” lực lượng Triều Tiên thực hiện tấn công nếu tình huống đó xảy ra.
“Các đơn vị quân đội của chúng tôi ở Imjingak đang ở tư thế sẵn sàng bắn pháo đáp trả ngay lập tức. Chúng tôi đang theo dõi sát sao những động thái của quân đội Triều Tiên”, một quan chức quân đội Hàn Quốc giấu tên cho biết.
Lời đe dọa của Triều Tiên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak bất ngờ đến thăm đảo tiền tiêu Yeonpyeong, hòn đảo mà cách đây 2 năm quân đội Triều Tiên đã nã pháo khiến 2 dân thường Hàn Quốc thiệt mạng. Trước đây, các nhóm hoạt động Hàn Quốc đã từng thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng nhưng tuần trước, lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ một cách bất thường về hoạt động này.
Bình Nhưỡng vẫn lên án hành động thả truyền đơn là hành động tâm lý chiến và là nỗ lực lật đổ chính quyền Triều Tiên, cảnh báo rằng hành động đó có thể khơi mào chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên mặc dù Triều Tiên chưa thực sự tiến hành một cuộc tấn công nào trả đũa.
Về mặt kĩ thuật, cả hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình.