Quan chức Trung Quốc được yêu cầu phải 'ăn tết kham khổ'
Tình cảnh khốn đốn đang đến với các nhà máy chưng cất rượu gạo cao cấp, các cửa hàng bán chậu cảnh và các xưởng dệt thảm đỏ ở Trung Quốc. Một loạt quy định mới ban hành trong những ngày gần đây với mục đích ngăn chặn nạn tham nhũng và hạn chế sự phô trương quyền thế của chính phủ nước này đã ảnh hưởng không ít tới các doanh nghiệp chuyên phục vụ quan chức.
Trang hoàng bằng hoa tươi tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11 vừa qua. Trong tương lai, việc trang hoàng tốn kém này sẽ bị cấm tại Trung Quốc |
“Chúng tôi đã không nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào từ các cơ quan nhà nước”, một nhân viên của siêu thị buôn hoa cảnh Laitai ở Bắc Kinh than thở, “Thông thường vào thời điểm này trong năm, chúng tôi luôn nhận được đơn đặt hàng kiểu như vậy”.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến tết truyền thống của Trung Quốc, và đây là mùa cao điểm bán hoa vì hầu hết các cuộc họp chính thức sẽ được trang trí rất lộng lẫy bằng hoa tươi để đón chào năm mới.
Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc chiến công khai chống lại sự tham nhũng trong các cơ quan nhà nước của nước này. Vào cuối tháng 12, Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc đã liệt kê một danh sách gồm 8 điều nên tránh để phù hợp với thời kỳ khắc khổ mới. Các biểu trưng, khẩu hiệu, băng rôn và thảm hoa chào đón đoàn đại biểu chính thức bị cấm theo quy định của Bộ Chính trị, thay vào đó các học sinh sẽ đứng vẫy chào khách quan cao cấp của chính phủ. Công chức nhà nước đi công tác nước ngoài cần phải lưu ý và hạn chế số lượng người đi cùng. Việc cấm đường, làm gián đoạn giao thông trong hành trình của một quan chức chính phủ sẽ không còn được chấp nhận nữa. Các biểu ngữ màu đỏ mang tính biểu tượng treo trên các văn phòng chính phủ Trung Quốc có chức năng “nhiệt liệt chào mừng” cũng bị cấm.
Một điều cấm khác thường là các quan chức không được phép dùng mực thư pháp nơi công cộng mà không có sự chấp thuận trước đó, mặc dù thư pháp có vẻ như là một loại hình nghệ thuật cổ xưa vô hại. Chính quyền Trung Quốc cho rằng các quan chức địa phương có thể vận động quyền lực thông qua việc sở hữu chân dung được in bằng mực cổ của một viên chức cao cấp, như là việc một nhà hàng có thể kiếm lợi nhuận từ việc treo một bức ảnh của một người nổi tiếng đang thưởng thức một bữa ăn tại nhà hàng đó.
Cũng giống như quy định của khối Đảng Cộng sản, Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng ban hành 10 quy định riêng của mình, bao gồm việc cấm rượu trong tiếp tân. Vào ngày 24/12, giá cổ phiếu của một số thương hiệu rượu cao cấp Trung Quốc giảm mạnh, điển hình là Mao Đài Quý Châu, một trong những nhà máy rượu nhà nước ở Quý Châu, loại rượu màu trắng và màu đỏ của công ty này có giá lên đến hàng trăm USD mỗi bình và là một loại đặc sản của Trung Quốc. Các quan chức nước này thường thông qua các bữa tiệc công để có thể biếu tặng khách hay mua về sử dụng riêng.
Ngoài lệnh cấm rượu, Quân ủy Trung ương Trung Quốc còn cấm cả những bữa tiệc “sang trọng” của các lực lượng vũ trang. Quan chức tới Bắc Kinh làm việc sẽ phải dùng các bữa ăn tự chọn, trái ngược với việc tổ chức tiệc tùng tiếp đón như trước đây.
Các tỉnh khác của Trung Quốc cũng bắt đầu ban hành các chính sách khắc khổ đi theo quyết định từ trung ương. Tỉnh Giang Tô ban hành chế độ ăn uống hạn chế tương tự Bắc Kinh. Đầu tháng này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã để ý đến bữa ăn của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khi ông ăn uống tại một quán cà phê ở Thâm Quyến. “Một số người xem hành động của ông như là một nỗ lực để khuyến khích các quan chức bỏ thói quan liêu và ý thức hơn về quyền lợi được hưởng của mình”, Tân Hoa Xã nhận định.
Nỗ lực chống lại sự thái quá của quan chức đã được công bố vài tháng trước bởi công dân mạng Trung Quốc. Thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tấn công các quan chức chính phủ mà họ nghi ngờ là có mức sống vượt quá khả năng, ăn mặc hoặc dùng các phụ kiện quá sang trọng. Các quan chức và cán bộ công quyền bị tố cáo trên các trang trực tuyến đang tăng lên nhanh chóng. Một số quan chức đã bị cắt chức sau khi bị tiết lộ trên internet đã thể hiện sự thành công nhất định của hoạt động chống tham nhũng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, liệu chiến dịch chống tham nhũng này có thực sự thay đổi các hoạt động của giới chức sắc ở Trung Quốc? Khi người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là Hồ Cẩm Đào được bổ nhiệm, ông cũng đã khởi động hàng loạt chính sách chống tham nhũng tương tự. Tuy nhiên, hành động phi pháp lộ liễu và không bị trừng phạt lại gia tăng trong thập kỷ cầm quyền của Hồ Cẩm Đào. Những người ủng hộ ông Tập nói rằng chính quyền của ông nhận ra tình hình nghiêm trọng của vấn đề lớn hơn nhiều so với 10 năm trước. Khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc đang lớn hơn bao giờ hết và internet sẽ khiến cho việc che giấu thói quen phô trương của các quan chức trở nên khó khăn hơn.
Tuyên ngôn chống tham nhũng và lãng phí nhà nước của ông Tập Cận Bình chắn chắn tạo ra những tò mò nhất định tới các sắc lệnh. Trong số 10 quy định được Quân ủy Trung ương Trung Quốc có một điều lệnh rút ngắn độ dài các thông tin xuất bản báo chí về hoạt động của quan chức. Các bài viết với những câu chuyện dài dòng, vô nghĩa theo kiểu Tân Hoa Xã thường là vì lý do “không có gì để nói” về hoạt động của quan chức. Ngoài ra, các bài phát biểu trong các cuộc họp cũng phải được rút ngắn lại, cắt bớt đi những chi tiết rườm rà kèm theo sự phô trương tốn kém. Như vậy, một cuộc họp bình thường sẽ mất đến hơn một giờ đồng hồ đến nay sẽ chỉ cần 20 phút.
Bình luận về quy định "cắt giảm thời gian họp hành, phát biểu của quan chức Trung Quốc", tờ Time bình luận một cách khá mỉa mai: "Đến lúc đó thì các quan chức Trung Quốc biết làm gì với món quà (thời gian) quý báu này?"