Quan chức TQ: Hiroshima, Nagasaki bị ném bom nguyên tử là... có lý do
Ông Kishida đã mời lãnh đạo các nước trên thế giới hãy đến Hiroshima và Nagasaki, hai thành phố đã bị Mỹ đánh bom nguyên tử vào cuối Thế chiến II, để “thấy được những gì mà bom nguyên tử đã gây ra bằng chính mắt của mình”.
Tuy nhiên, báo Kyodo News (Nhật Bản) đưa tin, ủy ban dánh giá NPT đã không đưa yêu cầu trên vào văn kiện thống nhất sau khi đại diện của Trung Quốc, ông Fu Cong đã lên tiếng phản đối. Ông Fu cho rằng Nhật Bản đang có tình nhấn mạnh vào Hiroshima và Nagasaki nhằm “bóp méo lịch sử” bằng cách biến mình thành nạn nhân của cuộc chiến.
Đài kỷ niệm Hòa bình tại Hiroshima, tòa nhà duy nhất trong thành phố còn đứng vững khi bom nguyên tử phát nổ. |
Tại hội thảo tổng kết NPT, các chính trị gia Nhật Bản, bao gồm thị trưởng Hiroshima và Nagasaki, thúc giục các nước thành viên tham gia NPT hãy hành động nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki đã có mặt trong hội thảo để chứng minh cho những hậu quả khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.
Ông Kishida cũng nhắc đến chủ đề này trong bài phát biểu tại hội thảo tổng kết NPT. Ông nói rằng: “Chính nhận thức chung về những hậu quả về người gây ra bởi các loại vũ khí hạt nhân là động cơ chính nhằm hướng tới giải giáp vũ khí hạt nhân”. Ông cũng mời những lãnh đạo cấp cao đến Hiroshima và Nagasaki, cụ thể là vào thời điểm nguyên thủ các nước đến dự cuộc họp G7 tại Nhật Bản vào năm tới.
Nhật Bản có ý định thêm nội dung trên vào văn bản thống nhất, nhưng Trung Quốc và Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối kịch liệt. Ông Fu trả lời báo Kyodo News rằng ông yêu cầu lời nói trên không được đưa vào văn bản. Ông nói “hội thảo này nên tách rời với lịch sử” do có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến vụ đánh bom Hiroshima và Nagasaki.
Ông Fu nói rằng bằng việc nhấn mạnh vào sự tàn phá của hai vụ đánh bom, chính phủ Nhật Bản “đang tìm cách biến Nhật Bản thành một nạn nhân của Thế chiến II hơn là kẻ gây tội ác”. Ông nhắc đến những tội ác chiến tranh của Nhật Bản tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á mà ông cho là Tokyo đang phủ nhận hoặc cố tình tránh đi.
“Chúng tôi không muốn nhắc đến Hiroshima hay Nagasaki bởi hai thành phố này bị đánh bom là có lý do của nó”, ông Fu nhận định. Việc nhắc đến hai thành phố trên trong văn bản NPT sẽ tương đương với việc “thừa nhận một góc nhìn phiến diện về Thế chiến II trong cuộc hội thảo này”.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Oánh cũng đã có lời đáp trả tương tự khi nói về hội thảo tổng kết NPT vào ngày 12/5. Bà nói rằng các bên nên “tránh đưa vào những yếu tố phức tạp và nhạy cảm” trong hội thảo. Khi được hỏi rằng liệu lãnh đạo Trung Quốc có ý đinh đến Hiroshima và Nagasaki hay không, bà Hoa nói: “Vậy tôi xin hỏi: khi nào lãnh đạo Nhật Bản sẽ đến Trung Quốc và thăm đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Nam Kinh?”
Sự kiện sau khi quân Nhật chiếm Nam Kinh vào ngày 13/12/1937 này là minh chứng rõ ràng nhất của tội ác chiến tranh mà Nhật Bản gây ra đối với nhiều người Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã tuyên bố lấy ngày 13/12 là ngày lễ tưởng niệm và khẳng định 300.000 người dân Trung Quốc đã bị lính Nhật giết hại. Một số quan chức Nhật đã phủ nhận sự tồn tại của vụ việc này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.