Quá trình "ngã ngựa" của một quan chức cấp cao Trung Quốc
Ông Lệnh là một nhân vật quan trọng trong nhóm chuyên trách kiểm duyệt những người được phép gặp Thủ tướng. Chính vai trò quan trọng này đã giúp con đường quan lộ của ông Lệnh "lên như diều gặp gió".
Ông Lệnh Kế Hoạch được cho có quyền lực lớn hơn cả phó Thủ tướng. |
Nhưng hiện tại, ông Lệnh (58 tuổi), một phụ tá thân cận hàng đầu của cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, đang bị bắt giam và chờ ngày ra tòa xét xử trước hàng loạt cáo buộc như tiết lộ bí mật quốc gia, nhận hối lộ và quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ.
Theo giới quan sát, ông Lệnh đã nằm trong tầm ngắm của các nhà điều tra tham nhũng trong hơn 2 năm qua. Nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay hồi tháng 12/2014, các nhà điều tra tham nhũng đã nhanh chóng tiến hành bắt giữ ông Lệnh sau khi nhận được thông tin mật về việc vợ ông Lệnh chuẩn bị rời khỏi Trung Quốc.
Con trai độc nhất qua đời
Trước đó, ông Lệnh trở nên “nổi tiếng bất đắc dĩ” sau vụ tai nạn giao thông của người con trai duy nhất Ling Gu (23 tuổi) hồi tháng 3/2012. Trong vụ tai nạn, Ling Gu đã lái chiếc xe ô tô siêu sang Ferrari 458 Spider trị giá gần 1 triệu USD, chở theo 2 thiếu nữ. Trong đó, một thiếu nữ khoả thân hoàn toàn, còn một người bán khỏa thân. Do chạy với tốc độ quá nhanh, chiếc Ferrari đã gây tai nạn giao thông trên đường phố Bắc Kinh, khiến Ling Gu chết tại chỗ, còn 2 thiếu nữ bị thương nặng. Sau đó, một cô gái cũng đã qua đời tại bệnh viện.
Vụ tai nạn của Ling Gu đã khiến dư luận quan tâm tới 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, mức độ giàu có nhờ tham nhũng của ông Lệnh để chu cấp cho cuộc sống xa hoa của cậu con trai và mua sắm những chiếc xe thể thao đắt giá. Thứ hai, ông Lệnh đã dùng cách gì để bưng bít vụ tai nạn trên.
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng của con trai ông Lệnh. |
Một số nguồn tin cho biết ông Lệnh còn cố tình bưng bít tình tiết vụ tai nạn trước giới truyền thông và làm giả danh tính người lái xe. Ông này còn nhờ cậy sự giúp đỡ của Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, để xử lý việc gia đình.
Theo đó, ông Chu đã ra lệnh cho cảnh sát và các lực lượng bán quân sự ở Bắc Kinh đưa vụ việc vào tầm kiểm soát và để Cục Điều tra Trung ương (đơn vị lo bảo vệ cho các "yếu nhân" Trung Quốc) xử lý vụ tai nạn này thay cho lực lượng cảnh sát. Ngoài ra, nhờ sự giúp đỡ của Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), ông Lệnh còn dùng quyền lực và tiền mặt để "mua" sự im lặng từ phía gia đình 2 thiếu nữ.
Một nguồn tin cho hay chiếc xe mà Ling Gu điều khiển là món quà của Chen Chuanping, cựu chủ tịch Tập đoàn Sắt Thép Taiyuan và từng giữ chức bí thư thành phố Thái Nguyên. Ông Chen cũng đã bị bắt giữ.
Theo giáo sư khoa học chính trị tại Đại học quốc gia Georgia, ông Andrew Wedeman, vụ tại nạn "là một ví dụ điển hình về 'cơn lốc' tham nhũng trong giới chính trị gia cấp cao Trung Quốc".
Thời báo Hoàn Cầu nhận định ông Lệnh đã quá tự tin trong việc che giấu bê bối và phớt lờ sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng cực lớn của mạng Internet. "Ông Lệnh tự cho rằng quyền lực có thể giúp ông này 'một tay che cả bầu trời' mà không biết rằng mình đang bị mạng Internet soi xét", theo Thời báo Hoàn Cầu.
"Quyền lực lớn hơn cả phó Thủ tướng"
Vẻ bề ngoài có phần dè chừng và khiêm tốn khác hẳn với tầm ảnh hưởng đầy quyền lực của ông Lệnh. Công việc chính của ông Lệnh là phục vụ, đảm bảo an ninh, duy trì hình ảnh trước công chúng và cả chăm sóc y tế cho giới lãnh đạo trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Ông Lệnh là trung tâm cân bằng quan hệ giữa các nhân vật và giới truyền thông. Nếu bạn muốn gặp cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, bạn phải qua được sự kiểm duyệt của ông Lệnh trước", nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh, ông Zhang Lifan chia sẻ.
Một nguồn tin thân cận trong chính quyền Bắc kinh từng khẳng định: "Quyền lực của ông Lệnh còn lớn hơn cả phó Thủ tướng".
Ông Lệnhtừng làmột phụ tá thân cận hàng đầu của cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào (người hàng đầu bên phải). |
Con đường quan lộ của ông Lệnh được cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào tích cực ủng hộ. "Trong giai đoạn ông Hồ Cầm Đào cầm quyền, ông Lệnh nhận được sự ủng hộ lớn của cựu lãnh đạo. Khi ông Hồ về hưu, quyền lực của ông Lệnh cũng dần xuống dốc", ông Zhang nói.
Trang tin Caixin mô tả ông Lệnh là một người đàn ông "có quyền lực vô hình lớn tương đương với các thành viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giáo sư Kerry Brown tại Đại học Sydney nhận định ông Lệnh đã cố gắng tránh trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thôn ngay cả trong những dịp tháp tùng cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đi công tác.
Kéo bè kéo cánh
Ông lệnh không chỉ từng là trung tâm trong bộ máy chính phủ Trung Quốc mà còn là lãnh đạo của một bè phái chính trị.
Hồi tháng Giêng, Tân Hoa Xã đưa tin ông Lệnh được xác định là người đứng đầu "bè phái tỉnh Sơn Tây" với các thành viên là chính trị gia và doanh nhân sinh ra và lớn lên hoặc làm ăn tại tỉnh phía bắc giàu tài nguyên than đá này. Hai trong số thành viên nổi bật trong "bè phái tỉnh Sơn Tây" có cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Liu Zhijun và ông Jin Daoming, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỉnh Sơn Tây. Cho tới nay, tất cả những thành viên chủ chốt trong "bè phái tỉnh Sơn Tây" cũng đã bị bắt giữ để điều tra tham nhũng.
Điển hình, anh trai của ông Lệnh là Ling Zhengce từng giữ chức phó Chủ tịch ban cố vấn chính trị cấp cao tại tỉnh Sơn Tây. Còn người em trai của ông lệnh, Ling Wancheng trở thành ông trùm trong giới truyền thông và tài chính.
Vợ ông Lệnh Kế Hoạch. |
Trong khi đó, vợ của ông Lệnh là bà Gu Liping, người từng lên kế hoạch bỏ trốn khỏi Trung Quốc hồi tháng 12/2014, được cho đã bị bắt giam ở thành phố Thanh Đảo dù chính quyền Trung Quốc chưa xác nhận thông tin này. Theo giới truyền thông, bà Gu bị nghi ngờ sử dụng các công ty kinh doanh và tổ chức phi chính phủ để nhận tiền hối lộ.
Con đường quan lộ
Một số nguồn tin cho hay ông Lệnh đã trở lại làm việc ngày sau ngày con trai Ling Gu gặp tai nạn. Cái chết của con trai độc nhất không chỉ là điều duy nhất khiến ông Lệnh đau đầu suy nghĩ. Bởi trong 2 năm qua, giới truyền thông Trung Quốc đã phanh phui hàng loạt bê bối liên quan tới tới ông Lệnh.
Từ tháng 10/2007 – 2012: Ông Lệnh đảm nhận chức vụ thư ký riêng của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ngày 18/3/2012: Con trai độc nhất Ling Gu qua đời sau tai nạn xe hơi.
Tháng 9/2012: Ông Lệnh chuyển về làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thống nhất trung ương.
Tháng 3/2013: Ông Lệnh trở thành một trong 23 phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) nhưng nhận số phiếu thấp nhất.
Tháng 6/2014: Người anh trai Ling Zhengce, phó Chủ tịch ban cố vấn chính trị cấp cao tại tỉnh Sơn Tây, bị điều tra tham nhũng.
Ngày 22/12/2014: Ông Lệnh bị điều tra tham nhũng.
Ngày 28/2/2015: Ông Lệnh bị khai trừ khỏi CPPCC.
Ngày 20/7/2015: Ông Lệnh bị khai trừ khỏi đảng và bị khởi tố.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hồng Kông được Tập đoàn SCMP phát hành.