Qua 40 tuổi, bạn nhất định phải sàng lọc bệnh ung thư này
Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến, nguy hiểm, với tỷ lệ gây tử vong cao hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, bệnh nhân đều đến khám ở giai đoạn muộn khi ung thư đã xâm lấn, di căn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng gia tăng, ung thư dạ dày là 1 trong 10 bệnh ung thư thường gặp ở nước ta trong những năm gần đây.
Bệnh nhân Lâm V.P (trú tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) được chẩn đoán ung thư dạ dày từ tháng 5/2022 nhưng từ chối điều trị. Gần đây bệnh nhân xuất hiện tình trạng nuốt nghẹn, thể trạng gầy yếu đến khám tại Bệnh viện Bãi Cháy và quyết định thực hiện phẫu thuật điều trị.
Thông qua thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu (CT scaner, nội soi dạ dày-đại tràng…), hội chẩn chuyên khoa, ekip phẫu thuật của Ths.BS CKII Nguyễn Văn Dũng đã tiến hành phẫu thuật cắt khối ung thư cho bệnh nhân.
Các bác sĩ đã đồng thời tiến hành đại phẫu “ba trong một” - cắt toàn bộ dạ dày, thân đuôi tụy, lách thành một khối, vét hạch di căn. Sau 4 giờ, ca phẫu thuật thành công loại bỏ ung thư.
Bệnh nhân ung thư dạ dày. |
Ths.BS CKII Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Đa số các bệnh nhân nhiều tuổi mắc ung thư đường tiêu hóa thường có tâm lý chán nản, e ngại điều trị. Việc trì hoãn phẫu thuật sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn, xâm lấn, di căn nhiều tạng lân cận làm suy giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.
Những ca phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa giai đoạn muộn như ung thư dạ dày xâm lấn, di căn rất phức tạp, độ khó cao, đặt ra thách thức cho phẫu thuật viên khi cùng lúc phải thực hiện nhiều phẫu thuật lớn trong một thì như cắt khối ung thư dạ dày, cắt các khối di căn của ung thư tại các bộ phận như lách, tụy…
Nguy cơ biến chứng chảy máu, do phẫu tích đối với các tạng có nhiều mạch máu lớn, rò bục miệng nối, rò tụy, nhiễm trùng trong và sau mổ... Vì vậy, cuộc đại phẫu ung thư đường tiêu hóa chuyên sâu đòi hỏi phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn vững vàng, phẫu tích chuẩn xác, xử trí tai biến kịp thời.
BS Dũng cho biết những biến chứng của bệnh ung thư dạ dày giai đoạn muộn như: chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, di căn vào tụy, gan, lá lách, phổi, thực quản... Người bệnh có thể tử vong do sức khỏe suy kiệt hoặc do bị một số di chứng trên.
Với những người bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm (tế bào ung thư mới nằm ở lớp niêm mạc dạ dày) nếu được phát hiện và điều trị phù hợp thì tỉ lệ bệnh nhân có thể sống thêm khoảng 5 năm lên đến 90%, 10 năm là 70%.
Người bệnh ung thư có thể lựa chọn điều trị phương pháp nội soi can thiệp cắt hớt niêm mạc dạ dày ESD. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư phát triển mạnh đã lan rộng, xâm lấn ra các vùng xung quanh, di căn vào hệ thống mạch máu, hạch bạch huyết và các cơ quan nên không chỉ điều trị bằng một mà phải kết hợp nhiều phương pháp (gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị).
Vì thế, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng quyết định hiệu quả điều trị, cơ hội kéo dài sự sống, tránh đau đớn, gánh nặng điều trị cho bệnh nhân ung thư dạ dày.
Trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỉ lệ cao khoảng hơn gấp đôi so với phụ nữ mắc ung thư dạ dày.
BS Dũng cho rằng với người dân trên 40 tuổi nên định kỳ khám sức khỏe, nội soi dạ dày, đại trực tràng để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa.
Đặc biệt chú ý đến các biểu hiện bất thường – dấu hiệu của ung thư dạ dày như sụt cân bất thường, đau bụng, chán ăn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…
K.Chi