Qatar nói "Không" - "Đòn" tiếp theo của bộ tứ Ả rập là gì?
Hãng Reuters bình luận, có vẻ như Qatar sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khác đến từ các quốc gia Ả Rập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với mình khi thời hạn cuối cùng để Doha đáp ứng các yêu sách của họ đã kết thúc.
Ngoại trưởng Qatar tại Rome, Italia ngày 1/7/2017. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết, các yêu cầu này đã bị bác bỏ, thêm vào rằng, tối hậu thư của các nước Ả Rập không nhằm mục đích giải quyết khủng bố mà là để giảm bớt chủ quyền của Qatar. Tuy nhiên, ông cho biết Doha vẫn sẵn sàng ngồi xuống và đối thoại với các nước láng giềng vùng Vịnh.
Ông Sheikh Mohammed nói: "Danh sách yêu cầu này được đưa ra để bác bỏ chứ không phải để được chấp nhận hay ...được đàm phán... Nhà nước Qatar thay vì từ chối theo nguyên tắc, chúng tôi sẵn sàng tham gia (đối thoại), cung cấp các điều kiện thích hợp cho cuộc đối thoại tiếp theo".
Ngoại trưởng Qatar khẳng định "không ai có quyền đưa ra tối hậu thư cho một quốc gia có chủ quyền".
Khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vẫn tiếp tục nóng lên, việc Ả Rập Xê-út và các quốc gia đồng minh gửi bản yêu sách tới Qatar không khác gì giáng thêm một nhát búa lớn vào viên gạch vốn đã vỡ nát.
Yêu sách bất khả thi
Yêu sách của bộ tứ có một điểm vô cùng quan trọng: Buộc Qatar cắt đứt liên hệ với Iran, chỉ giữ lại một số mối quan hệ thương mại nhưng phải tuân thủ lệnh trừng phạt của quốc tế áp đặt lên Tehran. Trong khi đó, Qatar và Iran đã có quan hệ thân thiết kể từ năm 1970, khi hai bên chia sẻ nhiều nguồn khí đốt tự nhiên khổng lồ.
Ngoài ra, bộ tứ còn yêu cầu Qatar ngừng hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang thiết lập 1 căn cứ quân sự hơn 5.000 binh lính đồn trú ở đây. Thậm chí, bộ tứ còn yêu cầu Doha phải trả mọi tổn thất từ chính sách đối ngoại của họ trong suốt thời gian qua.
Cuối cùng, Qatar buộc phải chấp nhận thực hiện các yêu sách trong vòng 10 ngày và không được từ chối bất cứ điều khoản nào, nếu không, danh sách này sẽ vô giá trị.
Việc chấp thuận các yêu cầu của bộ tứ sẽ khiến Qatar mất đi 2 thập kỷ nỗ lực tạo quyền lực mềm trong khu vực. Doha cũng đang phải chịu áp lực trong nước để chứng minh sức mạnh của mình. Nhà vua Sheikh Tamin, trong một động thái trấn an trong nước đúng vào ngày lệnh phong tỏa ngoại giao có hiệu lực, đã gặp gỡ công khai giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng Youssef al-Qaradawi. Cuộc gặp đã trở thành "cái tát" cho Ai Cập – nơi vị giáo sĩ này bị cấm đoán – và UAE.
GCC sẽ tan rã?
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc Tổ chức GCC (Gulf Cooperation Council) gồm các nước: UAE, A rập Xê út, Qatar, Bahrain, Kuwait, Oman. |
Sự đầu hàng cũng đồng nghĩa với việc Qatar tự hạ vị thế của mình trong khu vực, và cũng là một sự sỉ nhục đối với trong nước nói riêng và ở Ả Rập Xê-út, UAE nói chung. Điều này đã xảy ra, nó phản ánh trong các cuộc tấn công nhằm vào hoàng tộc Qatar thông qua các phương tiện truyền thông gần gũi với chính quyền ở Riyadh và Abu Dhabi - điều vốn sẽ không xảy ra nếu họ mong đợi cuộc khủng hoảng được giải quyết dựa trên đàm phán.
Các điều khoản áp đặt được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia láng giềng đã rơi vào thế “tức nước vỡ bờ” sau nhiều năm chịu đựng quốc gia vùng Vịnh, chứ không phải là các biện pháp đột ngột hay gối đầu. Khi được hỏi lý do tại sao cuộc xung đột âm ỉ bao lâu lại biến thành một cuộc khủng hoảng hiện nay, một quan chức cao cấp ở Vùng Vịnh cho biết, không có một sự kích động đặc biệt nào. Và nếu có điều gì đó, động thái này đã bị hoãn lại khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama chắc chắn sẽ phản đối việc tăng cường chống lại Qatar.
Tạp chí Foreign Policy bình luận, tình hình đáng ra có thể đã tốt lên trước khi tồi tệ như bây giờ. Qatar có vẻ sẽ không thỏa hiệp, sự phân định rõ ràng giữa hai phía sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khi các quan chức ở Ả Rập Xê-út và UAE thấy không nhất thiết phải đưa Doha trở lại với GCC. Vì thế, kịch bản Qatar và GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh) tan rã có nhiều khả năng xảy ra nhất. Sự leo thang chống lại Qatar không có khả năng bị quân sự hóa, ít nhất bởi vì căn cứ của Mỹ đang đóng tại nước này. Cao trào của sự gia tăng căng thẳng có thể dừng lại tại việc “đuổi” Qatar ra khỏi GCC.
Qatar sẽ đối mặt với những lệnh trừng phạt nào tiếp theo? Ảnh: AP. |
Bản yêu sách 13 điểm được truyền thông các quốc gia vùng Vịnh công bố, được quan chức ngoại giao các nước liên quan xác nhận, như một tối hậu thư buộc Qatar phải tuân thủ và không cho phép bất cứ sự xoay chiều nào trong chính sách đối ngoại của Doha.
Có vẻ như các nước đối lập với Qatar – bao gồm Ả Rập Xê-út, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập – không mong đợi một sự thỏa hiệp nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao. Họ còn đang cố đào sâu hơn nữa những mâu thuẫn với người láng giềng vùng Vịnh của mình. Bản đề nghị của họ bao gồm cả yêu cầu Doha phải bồi thường cho họ mọi tổn thất phát sinh do chính sách đối ngoại của mình và đóng cửa kênh truyền thông Al Jazeera – những bước đi cực đoan cho thấy 4 nước vùng Vịnh không có ý định thỏa hiệp.
Thậm chí ngay cả khi 5 quốc gia giải quyết được vấn đề đi nữa, những tổn thương phát sinh từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu cũng không thể được hàn gắn trong một sớm một chiều. Khi được hỏi liệu điều này có dẫn đến một cái kết không tốt đẹp cho GCC hay không, một quan chức cấp cao ở vùng Vịnh đã trả lời chắc chắn: “Có. Trừ phi Qatar chấp thuận 100% các yêu sách được đưa ra”.
Đứng trên quan điểm của Qatar, Doha tìm cách duy trì một chính sách độc lập, không nhất thiết tìm cách ảnh hưởng đến lợi ích của các nước láng giềng nhưng cũng không liên kết chặt chẽ với các quốc gia GCC. Qatar cũng thể hiện rõ quan điểm của mình đối với một số tổ chức bị Riyadh hay Abu Dhahi xem là cực đoan như Anh Em Hồi giáo hay Ahrar al-Sham của Syria.
Ả Rập Xê-út và UAE quy kết Qatar cố tình hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức và các hãng truyền thông đe dọa trực tiếp đến an ninh và sự ổn định xã hội của họ. Họ lấy Oman như một dẫn chứng về một quốc gia GCC có chính sách độc lập, có quan hệ gần gũi với Iran nhưng không đe dọa đến hòa bình và ổn định của các quốc gia khác trong khối. Đối với họ, vấn đề liên quan đến cách tiếp cận bất ổn của Qatar.
Vị thế của Ai Cập
Khủng hoảng ngoại giao hiện nay có quan hệ chặt chẽ với cuộc nổi dậy Ả Rập vào năm 2011, khi Doha đầu tư tiền cho các nhà hoạt động chính trị và người Hồi giáo khắp khu vực. Và nó bùng nổ từ các sự kiện xảy ra vào mùa hè năm 2013. Chỉ 3 ngày sau khi vua Sheikh Hamad thoái vị vào 25/6/2013, các cuộc biểu tình ở Ai Cập kêu gọi lật đổ Mohamed Morsi, vị tổng thống được Qatar và nhóm Anh Em Hồi giáo đỡ lưng. Morsi bị phế truất, Tổng thống Marshal al-Sisi thế vị. Tổng thống Sisi là đồng minh thân cận của UAE và Ả Rập Xê-út, nhưng lại bị Qatar xem là vị tướng độc tài đầy thù địch.
Tuy nhiên, căng thẳng với Qatar bị đào sâu phần lớn do vào thời điểm đó, khi nhà lãnh đạo mới của Qatar là Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, lúc đó chỉ mới 33 tuổi, bị cho là “có cái nhìn hướng nội”. Al Thani là một người bạn của hoàng triều Ả Rập Xê-út, có cách tiếp cận khá ôn hòa với những người láng giềng xung quanh.
Vị vua mới phải chịu áp lực đảo ngược các chính sách đối ngoại của Qatar. Vào tháng 3/2014, Ả Rập Xê-út, UAE và Bahrain công bố rút đại sứ về nước, một động thái công khai hiếm hoi gây áp lực lên Doha lúc bấy giờ. Động thái này như một dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai phe đã chạm đến điểm “dầu sôi lửa bỏng”. Và cuộc khủng hoảng ngoại giao chính là điểm bùng phát của cuộc chiến âm ỉ kéo dài này.