Putin: Nga hướng tới châu Á không phải vì 'chán' phương Tây
Theo The Diplomat, chính sách ngoại giao hồi tuần trước được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, được xem là bài phát biểu mang tư tưởng chống Mỹ và châu Âu mạnh mẽ nhất trong quãng đời làm chính trị của nhà lãnh đạo Nga.
Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Putin nhấn mạnh rằng trong tương lai, Moscow sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực châu Á. Song, ông cũng khẳng định việc Nga thắt chặt quan hệ với châu Á trong tương lai không xuất phát từ việc mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây bị "đổ bể".
Trong thời gian gần đây, Nga tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á đặc biệt là Trung Quốc. |
"Châu Á đang đóng góp vai trò ngày càng lớn trên thế giới từ lĩnh vực kinh tế cho tới chính trị, do đó, không có lý gì mà chúng tôi không tìm kiếm cơ hội mở rộng quan hệ với khu vực này", Tổng thống Putin phát biểu trong cuộc họp thường niên với Câu lạc bộ Valdai, một diễn đàn thảo luận giữa các chính khách, học giả và các nhân vật nổi tiếng của Nga và nước ngoài, được tổ chức tại thành phố Sochi hôm 24/10.
"Các quốc gia khác đang đi theo hướng này và chúng tôi cũng vậy, nhất là khi phần lớn lãnh thổ quốc gia Nga lại nằm tại khu vực châu Á. Tại sao chúng tôi lại không tận dụng lợi thế cạnh tranh tại khu vực này? Đó sẽ là một điều thiếu sót lớn", ông Putin nói thêm.
Cách đó vài ngày, nội dung chính trong bài phát biểu của Tổng thống Putin cũng đã được nhắc tới trong tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Ông Lavrov còn nhấn mạnh Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với Nga.
"Chúng tôi đã tạo được bước đột phá trong việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Mối quan hệ này là vô cùng quan trọng không chỉ thúc đẩy hợp tác song phương mà còn tăng cường sự ổn định cho các mối quan hệ mang tầm quốc tế", Bộ trưởng Lavrov nhận định.
Tuy nhiên, điều đáng nói, cả ông Putin và Lavrov đều chú trọng nhấn mạnh rằng việc Nga thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và châu Á không phải vì mối quan hệ giữa Nga và phương Tây sụp đổ liên quan tới tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
"Một số người cho rằng Nga đang có ý định quay lưng lại với châu Âu và tìm kiếm các đối tác cộng tác làm ăn mới và trên hết là khu vực châu Á. Rõ ràng, điều này không đúng trong hoàn cảnh hiện nay. Chính sách ngoại giao chủ động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Nga không phải mới bắt đầu từ ngày hôm qua hay là động thái phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà chính sách của chúng tôi đã được triển khai từ nhiều năm nay", ông Putin nhấn mạnh.
Song theo The Diplomat, không thể phủ nhận rằng Kremlin đã đặc biệt chú trọng tới châu Á kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ. Trong quá khứ, Nga cũng từng nhiều lần quay sang thắt chặt quan hệ hợp tác với phương Đông khi mối quan hệ với phương Tây xuống dốc.
Những hệ lụy từ cuộc chiến tại miền đông Ukraine được xem là nguyên nhân khiến Nga quay sang thắt chặt quan hệ với châu Á. |
Điển hình, khi Chiến tranh Lạnh bùng nổ sau Thế chiến thứ Hai, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngay lập tức trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Liên Xô cũ. Trên thực tế, mối quan hệ này ngày càng xấu đi bởi trước thời điểm không xa ngày Liên Xô cũ tan rã, Trung Quốc nhận thấy rằng mối quan hệ Bắc Kinh – Moscow là phương kế giúp Nga đối chọi với phương Tây và ngăn NATO mở rộng tầm ảnh hưởng.
Do đó, nỗ lực hướng tới châu Á của Nga hiện nay cũng đang chịu tác động từ thực tế, Nga đang vấp phải một số vấn đề bất đồng với phương Tây. Trong khi, Nhật Bản và Australia đã áp đặt lệnh trừng phạt với Nga. Còn Mỹ thì đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tới các nước Đông Á nhằm cô lập Moscow.
Sau bài phát biểu hôm 24/10, khi được hỏi về khả năng các quốc gia đồng minh châu Á của Mỹ sẽ ngăn cản nỗ lực mở rộng mối quan hệ của Nga tại khu vực này, ông Putin nói: "Nếu các quốc gia này không chống đỡ nổi áp lực từ phía Mỹ và buộc phải cắt quan hệ với Nga gây ảnh hưởng tới chính lợi ích của quốc gia mình, đó là sự lựa chọn của họ. Ai có thể buộc các nước lớn châu Á ngừng hợp tác với Nga? Rõ ràng, có những quốc gia đó có thể buộc một số nước khác làm như vậy nhưng việc đó sẽ sẽ không thể kéo dài mãi mãi và chắc chắc điều đó không thể xảy ra tại châu Á".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.