Phương Tây thổi phồng sức mạnh của phe đối lập Syria
Trả lời với hãng tin Sputnik (Nga), khác với những gì mà chính phủ các nước phương Tây đã tuyên bố, ông Paul cho biết lực lượng đối lập ở Syria rất yếu về quân số cũng như vũ khí và khả năng chiến đấu.
Binh lính phe đối lập ở Syria. |
“Các nhóm nổi dậy ôn hòa ở Syria, trong đó có Quân đội Syria Tự do (FSA) đều rất yếu và quân số không nhiều, mặc dù chính phủ các nước phương Tây và truyền thông luôn nói rằng họ là một thế lực lớn”, ông Paul cho biết.
Cũng theo ông Paul, hiện phần lớn lực lượng đối lập với chính phủ Syria hiên nay là các nhóm Hồi giáo cực đoan. “Nổi bật nhất là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Nusra. Thêm vào đó, phe đối lập cũng bao gồm thành viên của một số nhóm vũ trang cực đoan như Jaish al-Islam và Ahrar al-Sham”, ông nhấn mạnh.
Đây là những nhóm không có tên trong thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, điều này có nghĩa là quân chính phủ và các lực lượng đồng minh có thể chiến đấu chống lại họ.
“Vấn đề nằm ở chỗ, tại một số khu vực ở Syria, cụ thể là Aleppo, lực lượng đối lập ôn hòa chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với các tổ chức Hồi giáo, cụ thể là Mặt trận Nusra. Việc không kích vào các cứ điểm của Mặt trận Nusra cũng sẽ ảnh hưởng đến những người thuộc phe nổi dậy, do vậy họ liên tục phàn nàn rằng lệnh ngừng bắn đã bị phá vỡ”, ông Paul cho biết.
Trước đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ban đầu chính phủ Mỹ có ý định thêm Mặt trận Nusra, một phân nhánh của al-Qaeda, vào thỏa thuận ngừng bắn tại Aleppo, nhưng chính phủ Nga một mực tuyên bố rằng điều này là không thể chấp nhận được.
Ông Paul cũng đồng ý quan điểm với Ngoại trưởng Nga, rằng Mỹ thường xuyên nhắc đến những vụ tấn công như trên, song lại không đả động đến các nhóm Hồi giáo.
“Washington đã cung cấp viện trợ quân sự không chỉ cho các nhóm đối lập ôn hòa mà còn cho cả các tổ chức Hồi giáo cực đoan một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Đây được coi là một cách khả dĩ để có thể lật đổ chính quyền Assad”, ông Paul khẳng định.
Nga đã nhiều lần ngăn chặn sự hỗ trợ của nước ngoài đối với các tổ chức Hồi giáo bằng đối thoại trực tiếp với Mỹ cũng như với Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, theo ông Paul. chính phủ Mỹ đã dùng những lý lẽ mơ hồ khi đề cập đến cuộc xung đột nhằm tránh thừa nhận rằng họ đang cung cấp vũ khí cho quân khủng bố.
Ông Paul cũng đồng ý với ông Lavrov rằng chính quyền Obama đang xóa nhòa sự liên quan của họ đối với Mặt trận Nusra trong cuộc xung đột ở Aleppo.
“Gần như các chuyên gia về chính trị Trung Đông điều biết rõ rằng Mỹ đã hỗ trợ các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong nhiều thập kỷ qua mặc cho hậu quả khôn lường sau này”, ông Paul khẳng định.