Phương pháp phẫu thuật mới - Niềm hy vọng cho hàng triệu người mù
Phương pháp phẫu thuật mới - Niềm hy vọng cho hàng triệu người mù
Khoảng 150.000 người mù tại Nepal có cơ hội nhìn thấy ánh sáng |
Theo ước tính trên thế giới, có khoảng 20 triệu người bị mù do đục thủy tinh thể. Khoảng 60 triệu bệnh nhân khác bị mù do mắc phải hàng loạt các tật về mắt. Trong đó, phần lớn người bệnh lại sinh sống tại các nước đang phát triển, do đó họ không đủ điều kiện và tiền để chi trả cho một ca phẫu thuật đắt đỏ.
Bác sĩ Sanduk Ruit – nhà sáng lập Trung tâm mắt Tilganga tại Kathmandu và các đồng nghiệp hy vọng phương pháp phẫu thuật mới sẽ mang lại hy vọng cho hàng chục ngàn người dân Nepal và nhiều bệnh nhân nghèo trên khắp châu Á và châu Phi.
Một ca phẫu thuật diễn ra hết sức đơn giản bởi các bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc kính hiển vi treo phía trên bàn mổ để quan sát mắt bệnh nhân. Sau đó, họ tạo 2 lỗ nhỏ li ti trên mắt, lấy ra một lớp màng nhầy và thay vào đó là lớp nhầy nhân tạo vừa khít với mắt của bệnh nhân. Toàn bộ thao tác trên chỉ mất có 5 phút và người bệnh có thể trở về nhà ngay sau ca phẫu thuật.
Ông Ruit cho biết: "Phương pháp phẫu thuật đơn giản và nhanh chóng này có khả năng ngăn chặn căn bệnh mù lòa với chi phí thấp và hiệu quả lâu dài. Chương trình ngăn chặn mù lòa không chỉ được áp dụng tại Nepal mà còn nhiều nước trên thế giới".
Phương pháp mới cũng nhằm tối giản dụng cụ và trang thiết bị y tế, cũng như các bác sĩ sẽ không cần phải tiến hành khâu cho bệnh nhân. Các ca phẫu thuật có thể thực hiện ngay trong các lán y tế mà không cần tới bệnh viện với trang thiết bị hiện đại.
Các bác sĩ sẽ sử dụng loại thấu kính được làm từ sợi acrylic giá rẻ sau đó cấy vào trong mắt bệnh nhân. Loại thấu kính này sẽ chỉ có giá 4 USD/ thấu kính – mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá hơn 100 USD/thấu kính nhập khẩu trước đây.
Hàng năm, trung tâm Tilganga sản xuất khoảng 350.000 thấu kính giá rẻ, sau đó bán tại nhiều quốc gia và số tiền thu được được dùng để chi trả cho chi phí sản xuất.
Thông thường, mỗi cuộc phẫu thuật mắt sẽ có giá lên tới 3.000 USD tại các quốc gia phương Tây. Thậm chí, chi phí cho những người giàu tại Nepal sẽ tăng thêm 300 USD tức là 3.300 USD/ca phẫu thuật.
Trong khi đó, mức giá phẫu thuật trung bình sẽ chỉ là 115 USD và những người không thể chi trả khoản phí này cũng sẽ hoàn toàn được phẫu thuật miễn phí.
Ngoài ra, các bác sĩ tại trung tâm cũng sẽ đào tạo cho các phẫu thuật viên người nước ngoài để họ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật này tại chính quốc gia mình.
Ông Ruit đã tự tay tiến hành gần 125.000 ca phẫu thuật bao gồm cả những chiến dịch phẫu thuật miễn phí tại Nepal, và nhiều quốc gia khác như tại Triều Tiên, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Ghana và Nigeria.
Ông Krishna Kant Paudel, 81 tuổi phát biểu: "Thật thần kỳ, tôi đã lại có thể nhìn thấy ánh sáng". Bởi đây là lần đầu tiên sau 4 năm, ông Paudel mới có cơ hội nhìn thấy mọi thứ xung quanh mình.
Khoảng 150.000 bệnh nhân trên tổng số 26,6 triệu dân Nepal bị mù cả hai mắt, trong đó nhiều người bị mù là do mắc chứng đục thủy tinh thể. Tuy nhiên việc điều trị cho những người dân tại Nepal lại hết sức khó khăn do họ quá nghèo và cả nạn mê tín.
Gần 1/4 dân số Nepal đang sống với mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Ngay cả khi chi phí phẫu thuật mắt đã được giảm xuống rất thấp thì họ vẫn không có khả năng chi trả cho cuộc phẫu thuật tìm lại ánh sáng.
Trong khi đó, một số người lại từ chối được chữa trị bởi họ cho rằng mình bị mù là do đã làm điều sai trái trong quãng đời trước đây.
TẦN KHANH