Phớt lờ lời khuyên của Mỹ, Philippines tự chui vào bẫy nợ Trung Quốc?
Chuyến thăm tới Manila của ông Tập đánh dấu lần đầu tiên trong 13 năm qua, một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Philippines. Sự kiện này đặt dấu mốc quan trọng trong tiến trình hâm nóng quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức cùng chính sách xích lại gần Bắc Kinh thay vì Washington, một đồng minh quốc phòng lâu đời của Manila.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (áo đen) trong chuyến thăm tới Philippines. |
Bloomberg đưa tin, trong số 29 thỏa thuận được giới chức Trung Quốc và Philippines ký kết có thỏa thuận khung phục vụ hoạt động khai thác khí đốt và dầu mỏ chung giữa hai nước trên Biển Đông. Đây cũng là một phần trong lời cam kết đầu tư 24 tỷ USD vào Philippines được Trung Quốc đưa ra cách đây 2 năm nhân chuyến thăm của Tổng thống Duterte tới Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Duterte vào chiều ngày 20/11, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và Philippines sẽ dàn xếp các vấn đề liên quan tới Biển Đông và hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chuyến thăm của ông Tập tới Manila được thực hiện ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh APEC lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung vì những căng thẳng liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong quá trình tham dự APEC hồi tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc cũng như kêu gọi các quốc gia tránh bẫy nợ của Bắc Kinh.
Về phần mình, hôm 19/11, phát biểu trong một hội thảo được tổ chức ở Manila, Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno nhấn mạnh, “tuyên bố của ông Pence không áp dụng với chính quyền của Tổng thống Duterte bởi chúng tôi đã có sự tính toán cẩn thận về các khoản tài trợ từ Bắc Kinh. Dĩ nhiên, Mỹ không muốn cả thế giới phải phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Trên thực tế, khoản đầu tư 24 tỷ USD mà Trung Quốc công bố cách đây 2 năm vẫn dường như “án binh bất động”. Một số dự án bị đắp chiếu như kế hoạch trị giá 780 triệu USD xây dựng 3 hòn đảo ngay trên vùng ngập nước ở quê nhà Tổng thống Duterte đã bị hủy bỏ hồi năm ngoái do không có tính thương mại khả thi.
Quá trình rải ngân chậm chạp của Trung Quốc cũng đã trở thành nguyên nhân khiến chính quyền của Tổng thống Duterte bị các chính trị gia đối lập chỉ trích mạnh mẽ. Thượng nghị sĩ Franklin Drilon cho rằng nhà lãnh đạo Philippines đã thi hành “chính sách lấy lòng” Trung Quốc và ông hy vọng những thỏa thuận vay nợ mà Trung Quốc đưa ra sẽ không làm “phá vỡ những lời hứa hẹn”.
Còn trong số những thỏa thuận được giới chức Trung Quốc – Philippines ký kết hôm 20/11 có khoản đầu tư 2 tỷ USD để biến một phần căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở phía bắc Manila thành khu công nghiệp cùng một khoản vay để xây dựng tuyến đường sắt dọc đảo Luzon của Philippines.
Hiện tại, nhiều công ty Trung Quốc cũng đang tìm kiếm vị trí cho xây dựng nhà máy sản xuất ở Philippines nhằm tránh mức thuế quan của Mỹ.