“Phớt lờ” bà Merkel, tân Tổng thống Litva chỉ trích gay gắt Dòng chảy phương Bắc 2
Tân Tổng thống Litva Gitanas Nauseda |
Ông Gitanas Nauseda cho rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa cho việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho Liên minh châu Âu (EU). Tân Tổng thống Nauseda cũng lưu ý rằng Ukraine đang lo ngại việc có thể mất quá cảnh khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước này.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel đồng ý “những lợi ích này của Ukraine cần được tôn trọng”.
Ông Nauseda nhậm chức Tổng thống Litva một tháng trước. Trước đó, cựu Tổng thống nước này Dalia Grybauskaite cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích dự án năng lượng của Nga và Đức.
Litva là một quốc gia nhỏ ở vùng Baltic với dân số chưa đến 3 triệu người và là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nền kinh tế tại Litva ước tính sẽ tăng khoảng 3% trong năm nay, song tỷ lệ người dân có nguy cơ nghèo đói cao và bất bình đẳng thu nhập gia tăng vẫn là những thách thức lớn đối với quốc gia này.
Litva cũng nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU), chỉ xếp sau Bulgaria.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan, Litva, Latvia… và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga là dự án chính trị, đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".