Phong trào trồng đinh lăng
Trồng cây đinh lăng |
Cây đinh lăng thuộc họ nhân sâm, là thảo dược rất quý, được người dân trồng từ rất lâu. Nó được dùng để trị chứng đổ mồ hôi đầu, chóng mặt, ngừa bệnh động kinh… Do lá đinh lăng có mùi thơm dễ chịu nên nhiều người sử dụng làm rau cho bữa ăn. Với nhiều công dụng, nông dân các xã, thị trấn của huyện Thoại Sơn đã trồng xen canh hoặc tận dụng đất trống để trồng, có hộ chuyển đổi đất ruộng để trồng đinh lăng. Ông Trần Văn Sĩ (ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập) là một điển hình. Do biết được giá trị dược liệu của đinh lăng, sau khi trồng 5.000m2 đinh lăng từ đất mượn, ông đã mạnh dạn tách 5.000m2 đất ruộng gia đình trồng loại cây này, với mục đích cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chẩn trị đông y. Chủ tịch Hội Đông y huyện Thoại Sơn Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Việc trồng cây đinh lăng phát sinh từ lâu, nhưng vài năm gần đây lại rộ lên khi có nhiều người đến mua, hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm. Huyện hiện có khoảng 40.000m2 đất trồng các loại cây dược liệu, trong đó có đinh lăng, nhiều nhất ở núi Sập (trên 10.000m2), xã Phú Đông (6.000m2), số còn lại rải rác ở các nơi. Đó là chưa kể nhiều hộ trồng đinh lăng để làm hàng rào và để ăn. Diện tích trồng nói trên cung cấp cho 33 Phòng chẩn trị y học dân tộc trên địa bàn”.
Anh Trần Phước Thọ (thị trấn Núi Sập)- người được xem như đi tiên phong trong việc trồng các loại cây dược liệu, chia sẻ: “Trước hết, tôi góp phần nhỏ cung cấp nguồn dược liệu quý cho các cơ sở chẩn trị y học dân tộc, nơi bào chế, sản xuất dược phẩm…, và tạo điều kiện để bà con có nguồn thu nhập qua việc trồng xen canh, tận dụng các khoản đất trống, đất bỏ hoang. Hiện, tôi đầu tư khoảng 20.000m2 đất để trồng dược liệu (đinh lăng, cây nhào, sâm bố chính) ở thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn), cùng 20.000m2 đất ở các nơi khác trong huyện Thoại Sơn và Chợ Mới. Những hộ hợp đồng trồng đinh lăng (tối thiểu 3 năm, tối đa 5 năm) được bao tiêu giá 15.000 đồng/kg gồm thân, lá, củ, rễ. Mô hình này đang ở năm đầu nên không đủ hàng cung cấp cho đối tác. Tôi đang tìm hiểu, khảo sát thị trường từ nhiều nơi, nhiều đối tác để có định hướng dài hơi cho việc trồng và cung cấp loài dược liệu quý giá này”.
Theo những người trồng, đinh lăng dễ trồng, nhưng nếu không biết “tính nết”, nhất là về điều kiện thổ nhưỡng, cách chăm sóc, điều trị bệnh… thì cây dễ bị chết, chậm phát triển, đặc biệt là không hoặc ra ít củ- sản phẩm được coi là giá trị nhất. Hiện, giá của dược liệu này ở thị trường khá đa dạng, tùy theo chủng loại đinh lăng (vốn rất đa dạng) cũng như thời gian và vùng đất trồng.
Chủ tịch Hội Đông y tỉnh An Giang Trần Quang Trung cho biết: “Các nhà khoa học đã khẳng định đinh lăng là loại dược liệu rất quý, được ví như “Sâm Cao Ly Việt Nam”. Đinh lăng trồng khoảng 3 năm là sử dụng, nhưng trồng càng lâu càng giá trị. Dược liệu này trị được nhiều bệnh, phổ biến nhất là chứng suy nhược nói chung, trị đau nhức, đặc biệt là bổ dưỡng rất tốt cho cơ thể… Cây này đang được nhiều người, nhiều nơi quan tâm đầu tư. UBND tỉnh An Giang vừa phê chuẩn kế hoạch phát triển vùng dược liệu ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, đủ cung cấp nguyên liệu trong và ngoài tỉnh”.