Phòng cúm A/H7N9, 70 ngàn người được đo thân nhiệt
Mỗi ngày có khoảng 6.000 lượt khách từ vùng dịch đến
Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM cho biết, ngay sau khi có thông tin xuất hiện dịch cúm A/H7N9, Trung tâm đã thực hiện sàng lọc, giám sát đối với hành khách nhập cảnh bằng việc kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa. Tính từ ngày ¼ đến nay, đã có khoảng 64.000 lượt hành khách nước ngoài với 480 chuyến bay được kiểm tra đo thân nhiệt. Trong đó, có 46 chuyến bay với khoảng 6.000 lượt hành khách đến từ vùng dịch là Trung Quốc.
Nhiều hành khách nước ngoài tại sân bay Tân Sơn Nhất phải được đo thân nhiệt trước khi nhập cảnh. Ảnh TN |
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với cúm A/H7N9. Thế nhưng theo ông Sáu, hệ thống máy đo thân nhiệt chỉ giúp phát hiện những người đang bị sốt khi các chấm đỏ xuất hiện trên màn hình của máy. Sau đó, những bệnh nhân này sẽ được đưa vào phòng riêng để khám sàng lọc, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm, giám định virus. Còn đối với những trường hợp đang ủ bệnh trong người thì máy không thể phát hiện được. Bởi vậy, nguy cơ nhiễm cúm A/H7N9 vẫn còn rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cũng lo ngại cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. Bởi ngoài tấn công qua đường hàng không, Việt Nam còn có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc. Đặc biệt, cúm A/H7N9 có khả năng lây sang Việt Nam qua các loại gia cầm như gà lậu.
“Nhưng, điều lo lắng nhất hiện nay là đường lây truyền của bệnh từ động vật sang người vẫn chưa xác định được. Do đó, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng không có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, nếu virus trên lây lan mạnh mẽ giữa động vật với người hay từ người sang người thì điều đó là cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, có thể trở thành một đại dịch”, bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nam, tại Trung Quốc mới phát hiện được 24 trường hợp dương tính với cúm A/H7N9, trong đó đã có 7 trường hợp tử vong. Dịch xuất hiện trên diện rộng ở các tỉnh An Huy, Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang. Đáng lưu ý, trong số các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân, có 1 người có biểu hiện ốm. Song, căn nguyên ốm của trường hợp này cũng đang được xem xét có phải do căn nguyên từ H7N9 hay không.
Sẽ có phác đồ điều trị cúm A/H7N9
Trao đổi với PV ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết, trong những ngày tới, Bộ sẽ họp hội đồng khoa học để thẩm định phác đồ điều trị cúm A/H7N9. Và sau khi Bộ Y tế ban hành phác đồ điệu trị sẽ lên ngay kế hoạch tập huấn cho các tỉnh, nhất là 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM và Viện Pasteur Nha Trang sẵn sàng tiếp nhận mẫu để chuẩn đoán xác định cúm A/H7N9.
Bệnh viện Nhiệt Đới đã sẵn sàng mọi máy móc, giường bệnh để đối đầu với cúm A/H7N9. Ảnh TN |
Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu Bệnh viện Nhiệt đới thường xuyên lấy mẫu bệnh phẩm, tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu và cuối cùng cho bệnh nhận nhiễm cúm A/H7N9. Ngoài ra, Bệnh viện Nhiệt đới cùng với một số bệnh viện như: Phạm Ngọc Thạch, 115, Gia Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương… sẽ chủ động cùng các nhân viên y tế quốc tế làm công tác phòng, chống cúm A/H7N9.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho biết, do từng có kinh nghiệm trong các lần chống dịch cúm trước như cúm H5N1… nên hiện mọi thứ đã sẵn sàng. Khoa nhiễm D của Bệnh viện Nhiệt đới đã chuẩn bị 50 giường để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm cúm. Thêm vào đó, các loại máy móc, thuốc taminflu… cũng đều có để sẵn sàng đương đầu với dịch cúm này.
Ông Châu cũng khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang với cúm A/H7N9. Thay vào đó, cần cảnh giác với các loại thực phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc và vệ sinh hàng ngày trước và sau khi giết mổ gia cầm. Nhất là những người có triệu chứng hắt hơi, xổ mũi cần tập thói quen che mũi lại, để tránh bay ra môi trường xung quanh. Riêng, đối với những người có bệnh lý về đường hô hấp phải đến cơ sở y tế gần nhất theo dõi và kiểm tra.