Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không thể để người dân từ quê lên chỉ chữa tiểu đường
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi thăm bệnh nhân đợi khám bệnh |
Báo cáo tình hình hoạt động của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc bệnh viện cho biết, Bệnh viện Đại học Y dược mỗi năm khám ngoại trú cho trên 2 triệu lượt người, trung bình mỗi ngày 7.000 lượt khám. Bệnh viện cũng điều trị nội trú với 70.000 lượt mỗi năm. Đặc biệt, số lượng khám bệnh, điều trị đang ngày càng tăng, trung bình 6-10%/năm.
Tuy nhiên, dù Bệnh viện Đại học Y dược đã tự chủ tài chính nhưng vẫn trực thuộc Trường Đại học Y dược TPHCM nên việc liên kết, hợp tác với các đối tác để xây mới, mở rộng hoạt động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, việc đề xuất mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện phải thông qua Trường Đại học Y dược khiến cho tiến độ mua sắm chậm trễ và mất thời gian.
Vì vậy PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc đề xuất bỏ qua khâu trung gian này, tạo điều kiện để bệnh viện mua sắm trang thiết bị một cách đơn giản, nhanh chóng. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có cơ chế mới để bệnh viện mở rộng hệ thống khám chữa bệnh, còn trường thì chuyên tâm vào đào tạo nhân lực y tế.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TPHCM cho rằng, dù bệnh viện tự chủ về tài chính, hạch toán như một doanh nghiệp nhưng bệnh viện vẫn trực thuộc Trường; do đó, các thủ tục, quy trình hành chính vẫn phải tuân theo các quy định của một đơn vị công lập. Quan điểm của Trường Đại học Y dược TPHCM là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh viện phát triển.
Tuy nhiên, PGS Trần Diệp Tuấn cho rằng, Bệnh viện Đại học Y dược cần tập trung ưu tiên các mũi nhọn, chuyên sâu, không nên phát triển khám chữa bệnh đại trà: “Chúng ta nên tư vấn cho người dân về tuyến dưới điều trị các bệnh lý thông thường, còn bệnh viện chỉ nên thực hiện những kỹ thuật mà chỉ có Bệnh viện Đại học Y dược mới làm được”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, hiện vẫn chưa có cơ chế chính xác giữa trường đại học và bệnh viện thuộc đại học để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 đơn vị, nhất là về tài chính, về đất đai, về nhân sự…. Cả bệnh viện và trường cần ngồi lại cố gắng tháo gỡ những vướng mắc để cả bệnh viện và trường đại học cùng phát triển. Nhìn nhận một cách khách quan thì nếu không có trường chắc chắn sẽ không có đội ngũ nhân sự y tế chất lượng cao để tạo nên uy tín cho bệnh viện, nhưng nếu không có bệnh viện thì trường cũng không có nguồn thu để chuyên tâm nghiên cứu, đào tạo. Do vậy, cả hai phải tìm được tiếng nói chung để phát triển hài hòa.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với uy tín và chất lượng của Trường Đại học Y dược và Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, trong thời gian tới cần mạnh dạn mở phân hiệu khám chữa bệnh ở các tỉnh, thành khác, tạo nên chuỗi bệnh viện nhằm giảm bớt thời gian, công sức đi lại của người dân.
Sau khi hỏi thăm bà Huỳnh Thị Diên lặn lội từ Bạc Liêu lên Bệnh viện Đại học Y dược chỉ để khám tiểu đường, mỗi lần đi khám mất vài triệu đồn chỉ để làm vài xét nghiệm và lấy thuốc, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Chúng ta không thể để cho bệnh nhân từ các tỉnh xa xôi như Bạc Liêu, Khánh Hòa, Lâm Đồng phải lặn lội hàng tháng đến Bệnh viện Đại học Y dược chỉ để khám bệnh tiểu đường. Nếu có các phân hiệu của Bệnh viện Đại học Y dược ở các tỉnh này thì người dân không còn phải đi lại vất vả, trong khi đó việc mở phân hiệu, mở chuỗi bệnh viện ở các tỉnh, thành hoàn toàn nằm trong khả năng của Trường Đại học Y dược và Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.”