Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần ứng dụng KHCN để đảm bảo ATGT
Sáng nay (8/12), Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban ATGT quốc gia phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: B.M) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá cao kết quả đạt được thời gian qua: “Lần đầu tiên trong 5 năm 2011 - 2015, chúng ta đã giảm 34.835 số vụ tai nạn giao thông (TNGT), giảm 12.393 người chết, và 46.583 người bị thương vì TNGT so với giai đoạn 2006-2010. Số vụ TNGT giảm gần 1/2 trong điều kiện phương tiện giao thông tăng rất nhanh, các địa phương đều tăng hàng vạn ô tô, xe máy, đây là kết quả rất lớn”.
“Hội nghị hôm nay cần tổng kết, đánh giá những nguyên nhân góp phần giảm thiểu được cả 3 tiêu chí (số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương vì TNGT), từ đó đưa ra định hướng triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt, các giải pháp từ tuyên truyền đến ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng những hình thức xử phạt mới... cũng cần được phổ biến tích cực”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng báo cáo kết quả 5 năm thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, trong đó nhấn mạnh vai trò của hoạt động ứng dụng CNTT để đảm bảo TTATGT. (Ảnh: B.M) |
Cũng tại Hội nghị, báo cáo kết quả triển khai thực hiện 5 năm công tác bảo đảm trật tự ATGT và 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động ứng dụng CNTT góp phần đảm bảo TTATGT.
Cụ thể, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai thực hiện quy định gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải, tích hợp dữ liệu để giám sát tập trung tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời gửi dữ liệu vi phạm để Sở GTVT các địa phương xử lý.
Thực hiện quy hoạch hệ thống trung tâm sát hạch lái xe, chú trọng đầu tư ứng dụng CNTT, lắp thiết bị chấm điểm tự động, giám sát quá trình sát hạch lý thuyết và thực hành.
Ứng dụng CNTT xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, giảm thiểu tình trạng làm giấy phép lái xe giả, phục vụ trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa ngành GTVT với ngành Công an. Thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng, tạo thuận lợi cho người dân, chống tiêu cực. Trang bị camera giám sát trên từng dây chuyền kiểm định xe cơ giới trên cả nước, xử lý triệt để hiện tượng phương tiện có sức chứa vi phạm quy định.
Sau 5 năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, công tác bảo đảm TTATGT đã có chuyển biến mạnh mẽ. TNGT giảm liên tục cả 3 tiêu chí gồm số vụ, số người chết, số người bị thương. Tính từ năm 2011 – 2015, số vụ TNGT giảm trên 50% (trung bình giảm 19,5%/năm), số người chết giảm 23,7% (7%/năm), số người bị thương giảm 60% (25%/năm), trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (ô tô tăng 9,4%/năm, mô tô tăng 7,14%/năm).
Trong giai đoạn 2016 – 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là tiếp tục kéo giảm 5 – 10% số vụ, số người chết, số người bị thương vì TNGT hàng năm, giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng, từng bước giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM...
Trong số các giải pháp triển khai đảm bảo trật tự ATGT của các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ xây dựng Đề án tuyên truyền pháp luật TTATGT giai đoạn 2016 – 2020; Phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động về bảo đảm TTATGT năm 2016.
Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm TTATGT; Phối hợp Bộ Tài chính ban hành quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua tài khoản ngân hàng.
Bộ Tài chính đề xuất cơ chế thực hiện việc thuê dịch vụ CNTT để xã hội hóa đầu tư và vận hành các hệ thống CNTT phục vụ công tác xử phạt vi phạm hành chính.
UBND các tỉnh, thành phố hiện đại hóa hệ thống điều khiển giao thông, quản lý vận tải công cộng, kiểm soát nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân trong đô thị.