Phó Thủ tướng Nga: "Trừng phạt chống Nga được áp đặt vĩnh viễn"
Phó Thủ tướng Nga Rogozin |
Trả lời phỏng vấn tờ báo Komersant, Phó Thủ tướng Rogozin cho biết: "Biện pháp trừng phạt là phản ứng cũ của của kẻ thù nhằm gia tăng áp lực đối với chúng tôi, các biện pháp trừng phạt sẽ được hủy bỏ trong trường hợp chúng tôi trở nên yếu đuối".
Theo Phó Thủ tướng Rogozin, đối với Nga, các biện pháp trừng phạt này là cơ hội để thể hiện những đặc tính tự cường tốt nhất, tính cách, bản lĩnh của quốc gia.
Trả lời câu hỏi liệu biện pháp trừng phạt có cản trở việc hiện đại hóa vũ khí trang bị cho quân đội, ông Rogozin giải thích rằng có một số "khó khăn", nhưng các biện pháp đáp trả đã được thực hiện.
"Nga có trụ sở chống biện pháp trừng phạt. Nhiệm vụ chính của nó để ngăn chặn sự gián đoạn trong việc cung cấp các sản phẩm quân sự cho khách hàng trong và ngoài nước", ông Rogozin nói.
Ngày 2/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký đạo luật CAATSA nhằm chống lại Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên. Việc thi hành luật này bắt đầu vào ngày 29/1/2018.
Vào mùa Thu năm 2017, Nhà Trắng đã đưa ra một danh sách các cá nhân và tổ chức trong ngành quốc phòng và tình báo của Nga, có các giao dịch "đáng kể" có thể bị trừng phạt.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết tài liệu này sẽ trở thành một rào cản cho các doanh nghiệp và cá nhân muốn ký kết các hợp đồng với các công ty từ Nga, nó sẽ dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD cho ngành quốc phòng Nga.
Ngày 21/2/2018, một số quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc việc tăng cường trừng phạt Nga, trái ngược với những ý kiến cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tỏ thái độ mềm mỏng với Moscow.
Theo các quan chức này, Mỹ đã thiết lập một lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ đối phó với khả năng Nga có những hành động can thiệp trong năm 2018. Bên cạnh đó, Mỹ đã cảnh báo nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả một số đồng minh của Washington, rằng họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu như có những “giao dịch quan trọng” với quân đội Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xấu đi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Moscow bị phương Tây buộc tội sáp nhập bán đảo Crimea một cách bất hợp pháp và can thiệp vào cuộc xung đột ở phía Đông Ukraine.
Phía Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên và cho rằng người dân Crimea bỏ phiếu một cách dân chủ, theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, để thống nhất với Nga. Ngoài ra, Moscow nhấn mạnh rằng Nga không phải là một bên của cuộc xung đột Ukraine.
Sau khi các nước phương Tây tiến hành các biện pháp trừng phạt, Nga đã có biện pháp trả đũa và thiết lập quá trình thay thế nhập khẩu. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ là phản tác dụng nếu nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ của các biện pháp trừng phạt.
Gần đây, ở nhiều nước EU, ý kiến về sự cần thiết phải bãi bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga ngày càng rõ ràng.