Phô diễn loạt vũ khí chiến tranh tối tân, Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), lễ diễu binh quy mô lớn hôm 30/7 nhằm kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập quân đội Trung Quốc muốn truyền đi thông điệp với cả thế giới về việc nhà lãnh đạo kiêm tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc, Tập Cận Bình đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội cũng như cải thiện năng lực sẵn sàng chiến tranh.
Giới phân tích nhận định, khác với những buổi lễ diễu binh với nhiều nghi thức thông thường, lễ diễu binh tại Cơ sở huấn luyện Chu Nhật Hòa thuộc khu tự trị Nội Mông chỉ có các quân nhân mặc quân phục. Hành động này còn nhằm nhắc nhở đội quân lớn nhất thế giới của Trung Quốc cần phải thay đổi phương thức hoạt động cũng như sẵn sàng chiến đấu.
Màn phô diễn năng lực quân sự trong lễ diễu binh hôm 30/7 của Trung Quốc. |
Cụ thể, trong buổi lễ diễu binh, ông Tập nhấn mạnh trước các binh sĩ "hãy sẵn sàng nhận mệnh lệnh và chiến đấu để giành chiến thắng trong bất cứ cuộc chiến nào".
Cuộc diễu binh năm nay là minh chứng cho công cuộc cải tổ quân sự của ông Tập trong suốt 5 năm qua trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động bành trướng ở cả khu vực và trên thế giới.
"Tôi tin chắc rằng lực lượng quân đội anh hùng có đủ tự tin và năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và những lợi ích lớn của quốc gia", ông Tập nói.
Thiếu tướng Xu Guangyu, cựu phó chủ tịch Viện Quốc phòng Trung Quốc nhận định, thông qua cuộc diễu binh, ông Tập có thể đánh giá chính xác nhất năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Bởi như lời ông Tập nói: "Chúng ta không thể tạo ra một cuộc chiến tranh để thử năng lực sẵn sàng chiến đấu. Nhưng chúng ta vẫn cần phải xem khả năng điều khiển máy bay của các phi công và xem khả năng kiểm soát hoạt động xe tăng của các binh sĩ".
Còn theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong số những vũ khí quân sự có mặt trong buổi lễ diễu binh hôm 30/7, có gần một nửa là lần đầu tiên được phô diễn và tất cả đều là hàng sản xuất trong nước của Trung Quốc.
Dưới đây là một số vũ khí đáng chú ý trong lễ diễu binh của Trung Quốc:
Tên lửa DF-31AG
Tên lửa DF-31AG là một trong những tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Trung Quốc có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân. Tên này lửa có tầm bắn 11.000 km và có thể vươn tới gần như toàn bộ các mục tiêu ở Mỹ và châu Âu.
DF-31AG sử dụng bệ phóng di động và có thể được phóng ngay tại các khu vực đường núi gồ ghề. Tên lửa này còn có thể mang theo 5 đầu đạn hạt nhân và đủ khả năng xuyên qua hệ thống phòng thủ tên lửa.
3 chiếc chiến đấu cơ J-20 trình diễn bay trên không tại buổi lễ diễu binh kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập quân đội Trung Quốc. |
Chiến đấu cơ J-20
Chiếc chiến đấu cơ tàng hình tối tân nhất của Trung Quốc Chengdu J-20 đã được đưa vào biên chế hồi tháng Ba. Trong buổi diễu binh hôm 30/7, 3 chiếc Chengdu J-20 đã thực hiện màn bay trên không.
So với F-22 hay F-35 của Mỹ, thế hệ chiến đấu cơ hai động cơ do Tập đoàn Hàng không vũ trụ Thành Đô sản xuất có phạm vi hoạt động xa hơn và có thể mang theo nhiều nhiên liệu hơn cùng hàng loạt vũ khí. Tuy nhiên, động cơ WS-15 do Trung Quốc sản xuất lại bị đánh giá có độ tin cậy hoạt động thấp hơn so với các loại động cơ máy bay do châu Âu chế tạo.
Chiến đấu cơ J-16
Trước lễ diễu binh ngày 30/7, J-16 chưa từng được ra mắt công chúng. J-16 là mẫu máy bay được Tập đoàn máy bay Thẩm Dương sản xuất trên nền tảng của J-11B và cải tiến từ Sukhoi-30MKK của Nga.
J-16 được thiết kế phục vụ hải quân Trung Quốc và được trang bị các tên lửa dùng để tấn công tàu thuyền từ khoảng cách mắt thường có thể nhìn thấy được.
Máy bay vận tải Y-20
Y-20 là thế hệ máy bay vận tải quân sự lớn nhất do Trung Quốc tự sản xuất và đã được giới thiệu vào năm 2016. Với khả năng chuyên chở 66 tấn hàng hóa, Y-20 có khả năng chở cả chiếc xe tăng chiến đấu hiện đại nhất của Trung Quốc là ZTZ-99A. ZTZ-99A cũng được ra mắt trong buổi lễ diễu binh ngày 30/7.
Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An đã sử dụng công nghệ in 3D để tăng tốc độ phát triển máy bay vận tải Y-20 cũng như giảm chi phí nghiên cứu sản xuất.
Hệ thống phòng không HQ-22 và HQ-9B
HQ-22 lần đầu tiên được ra mắt công chúng là vào năm 2016. Hệ thống phòng không này hiện thay thế cho hệ thống HQ-22 đã lỗi thời.
Trong khi đó, HQ-9B là phiên bản nâng cấp của HQ-9 và tương tự như tên lửa S-300 của Nga. HQ-9B có thể tấn công cả chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Máy bay không người lái ASN-301
Máy bay không người lái (UAV) ASN-301 được sản xuất dựa trên nguyên mẫu của Israel và được thiết kế nhằm phát hiện cũng như tiêu diệt các hệ thống radar.
UAV ASN-301 có thể đạt vận tốc 220 km/h và có thể hoạt động liên tục trên không trong 4 giờ đồng hồ. UAV ASN-301 có thể nhắm tới 8 hệ thống radar ở khoảng cách 228 km.