Phó Chủ nhiệm UBTP: "Chất lượng giám đốc thẩm có vấn đề!"
Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh như vậy khi TVQH cho ý kiến về công tác thi hành án và tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kết quả thực hiện Nghị quyết 37 (NQ) của Quốc hội.
Ông Quyền đánh giá, từ khi có NQ của Quốc hội, công tác tư pháp đã có những chuyển biến quan trọng, xử lý tội phạm kịp thời hơn, các cơ quan từ trung ương đến địa phương đều nghiêm túc thực hiện, chất lượng có tăng lên. Tuy nhiên Phó chủ nhiệm UBTP cũng đánh giá sự tiến bộ là rất chậm và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế.
Đại biểu phản ánh án tham nhũng còn nhiều hạn chế, chủ yếu là tham nhũng vặt. |
Đối với tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, Chính phủ đã có hàng chục chương trình về phòng chống tội phạm nhưng nhiều năm nay chưa có đánh giá hiệu quả các chương trình đó. Trong khi tội phạm cứ năm sau tăng hơn năm trước. Chủ trương này cần được đánh giá rất nghiêm túc, xem sự đầu tư về ngân sách, con người có tương xứng không.
Cho rằng công tác phát hiện xử lý tội phạm ngày càng tiến bộ, nhưng theo ông Quyền, nhiều tin báo tội phạm xử lý quá thời hạn, mặt khác kiểm soát không chặt dẫn đến biểu hiện bỏ lọt tội phạm. Đối với giám sát về tham nhũng, có tỉnh trong 2,5 năm mà chỉ xử lý được 1 – 2 vụ. Việc điều tra với án tham nhũng, chức vụ, kinh tế thời hạn kéo dài, tồn tại nhiều năm nhưng chưa có giải pháp dứt điểm. Ông Quyền đề nghị cần có biện pháp mạnh, khi bỏ lọt tội phạm thì có cả trách nhiệm của cơ quan điều tra, kiểm sát, và toà án.
Đối với VKS, ông Quyền cho rằng việc tranh tụng rất yếu, do không đủ năng lực và thiếu luật sư. VKS địa phương thì rất lười ra kháng nghị vì ngại va chạm. Với ngành tòa án, ông cho còn có biểu hiện nương nhẹ, không đúng pháp luật, cần thanh kiểm tra với những bản án như vậy.
”Số lượng đơn tồn đọng giám đốc thẩm tái thẩm rất lớn. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng kháng nghị. Có vụ 14 năm với 4 vòng tố tụng lại trở về xuất phát ban đầu, bản án sơ thẩm ban đầu lại là đúng. Chất lượng giám đốc thẩm có vấn đề” – ông Quyền nói.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thì cho rằng, loại hình tội phạm chưa đánh giá đúng tình hình thực tế, có tình trạng bỏ lọt tội phạm thông qua xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó còn có tình trạng bảo kê tội phạm. Vụ việc xảy ra ngay trước mắt mà không thấy, chỉ đến khi người dân tố cáo mới phát hiện ra. Bà Nga tiếp tục đề nghị khi xảy ra vụ việc ở địa phương nào thì phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương đó.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều oan sai, thực tế đã phải đình chỉ trên 280 vụ, việc truy tố cũng có 13 trường hợp thiếu chính xác, bị toà án tuyên không phạm tội. Dẫn dụ hai vụ chìm tàu ở Cần Giờ, vụ tàu Dìn Ký ở Bình Dương, bà Nga cho rằng, tiến độ khởi tố điều tra có vấn đề.
ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn ĐB TP HCM) thì cho biết, án tham nhũng phát hiện còn rất hạn chế. Chủ yếu là những vụ tham nhũng vặt, ngược lại những vụ tham nhũng lớn lại không phát hiện ra.
Nói về kết quả thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nhiều khả năng đến hết tháng 9/2013 khó có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu của cả năm. Nhưng Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo quyết liệt để cố gắng hoàn thành được các chỉ tiêu chính mà Quốc hội đề ra.