Philippines: Xa vời ước mơ về một hạm đội tàu ngầm
Hôm 17/12/2014, phó tư lệnh hải quân Philippines, ông Caesar Taccad cho biết trong tương lai, Manila sẽ mua thêm ít nhất 3 chiếc tàu ngầm. Và kế hoạch mua sắm này là một phần trong chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Philippines với tổng trị giá lên tới 90 tỷ peso trong vòng 15 năm tới.
Theo Diplomat, những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được xem là động lực khiến Philippines chi tiền mua thêm khí tài. Điều này đã được thể hiện trong tuyên bố của ông Taccad: "Thực tế, những diễn biến tại Biển Đông cho thấy sự cần thiết của việc đẩy nhanh chương trình mua sắm thêm các loại vũ khí mới" bao gồm chương trình mua thêm các tàu ngầm trong 10 năm tới.
Các tàu chiến của Hải quân Philippines và Mỹ tham gia một cuộc tập trận chung trên biển Sulu. |
Theo đó, "Kế hoạch phát triển chiến lược trong 15 năm của Hải quân Philippines" sẽ chú trọng việc dựng một hạm đội sở hữu cả 3 loại vũ khí gồm trên mặt nước, dưới mặt nước và trên không. Điển hình, Philippines sẽ sở hữu 6 chiếc tàu hộ tống phòng không, 12 tàu tuần tiễu chống ngầm, 18 tàu tuần tra bờ biển, 3 tàu ngầm, 3 tàu rà mìn cùng 4 tàu hỗ trợ chiến lược (SSV), 8 máy bay đổ bộ phục vụ tuần tra hàng hải và 18 chiếc trực thăng hải quân trang bị năng lực tác chiến chống ngầm.
Nếu như chương trình mua sắm khí tài của Philippines được tiến hành, chính phủ nước này sẽ cần đưa ra lời cam kết tài chính lâu dài và ổn định. Trước đó, hồi tháng 5/2012, giới chức Hải quân Philippines từng tuyên bố chương trình cải thiện sức mạnh quân sự sẽ cần tới 500 tỷ peso (11,1 tỷ USD). Song, hiện không rõ liệu kế hoạch này có được chính quyền của Tổng thống Aquino thông qua hay không.
Xung đột trên Biển Đông
Tàu ngầm hiện được xem là một trong những loại vũ khí phòng thủ bờ biển mà Philippines muốn sở hữu nhất nhằm phát hiện mọi động thái từ Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới những lợi ích của Manila trên Biển Đông.
Nếu như Bắc Kinh vẫn giữ thái độ hung hăng, việc Philippines mua sắm tàu ngầm cũng sẽ không thể thay đổi cuộc chơi. Song, ngay cả khi kế hoạch mua sắm tàu ngầm không thể thay đổi cán cân sức mạnh của Philippines trên Biển Đông, nó cũng phần nào gây rối loạn những kế hoạch của hải quân Trung Quốc.
Tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 được Bắc Kinh lai dắt trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi đầu tháng 5/2014. |
Theo Diplomat, trong thời bình, tàu ngầm đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo. Tàu ngầm còn vô cùng hữu dụng trong việc giám sát chặt chẽ các hành động thù địch của đối phương trên những vùng biển đang xảy ra tranh chấp nơi lực lượng tàu chiến mặt nước không thể tiếp cận.
Điển hình như trường hợp, các tàu chấp pháp của Việt Nam bị tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc ngăn cản quyết liệt không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương – 981 mà Bắc Kinh đã lai dắt và hạ đặt trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi đầu tháng 5/2014.
Rào cản chi phí đắt đỏ
Hiện nay, nguồn ngân sách quốc phòng đang là rào cản để Philippines hiện thực hóa chương trình mua thêm tàu ngầm. Khác với các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm thường có giá đắt hơn bởi nó còn bao gồm chi phí đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu. Do đó, Philippines cần có một khoản đầu tư lâu dài. Song, điều quan trọng là vấn đề thường không được chính phủ các nước cam kết chắc chắn.
Hồi tháng 5/2012, bản báo cáo từ Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho hay Philippines đã "đề nghị mua từ 4 – 6 chiếc tàu ngầm mini" nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ trước những hành động thù địch từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Mô hình tàu ngầm SMX trong cuộc triển lãm Euronaval 2014. |
Lực chọn này sẽ giúp Manila tiết kiệm được khoản chi phí lớn thay vì mua các tàu ngầm chạy điện – diesel có lượng giãn nước lên tới 1.000 – 3.000 tấn. Do đó, Philippines có thể chọn phương án mua các tàu ngầm có lượng giãn nước dưới 1.000 tấn như SMX-23 do Pháp sản xuất để tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân.
Lựa chọn thứ hai cho Manila là mua lại các tàu thuyền đã qua sử dụng. Đây được xem là phương án tiết kiệm giúp Hải quân Philippines tính toán mức độ hiệu quả của các loại khí tài trước khi mua những chiếc tàu "nguyên đai nguyên kiện". Điển hình, Singapore từng mua những chiếc tàu lớp Sjöormen của Thụy Điển được sản xuất từ thập niên 60 để phục vụ chương trình đào tạo sau đó mới mua các tàu mới lớp Västergotland và Type-218SG do Đức thiết kế và sản xuất.
Lựa chọn cuối cùng cho Manila là tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài. Ví dụ, họ có thể ký kết các thỏa thuận cứu hộ tàu ngầm tương tự như giữa Indonesia-Singapore và Singapore-Việt Nam.
Song ngay cả khi nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài, Philippines vẫn cần một nguồn tài chính ổn định và lâu dài để giải quyết bài toán chi phí, hoạt động cũng như những sự cố kỹ thuật liên quan tới việc triển khai tàu ngầm.
Vũ khí chống ngầm trước, tàu ngầm sau
Điều rõ ràng, hiện nay, Hải quân Philippines đang chú trọng tới mua sắm tàu ngầm và cải thiện năng lực chống ngầm. Tuy nhiên, Manila sẽ tăng cường sức mạnh chống ngầm trước rồi mới mua sắm các loại tàu ngầm.
Trong một vài sự kiện kể từ năm 2013, Hải quân Philippines đã nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu phát triển năng lực tác chiến chống ngầm trong thời gian dài bao gồm các loại tàu và trực thăng chống ngầm.
Hải quân Philippines cân nhắc mua trực thăng chống ngầm SH-60 LAMPS MK III Seahawk. |
Dù sao, những tuyên bố gần đây về việc Philippines muốn mua thêm tàu ngầm đã thể hiện quyết tâm của Manila trong việc cải thiện năng lực các lực lượng vũ trang đồng thời gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới những quốc gia đối đầu. Do đó, nếu nhận được sự ủng hộ từ giới chính trị và xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài, Philippines hoàn toàn có thể vượt qua những rào cản tài chính để tiến tới mua thêm tàu ngầm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.