Philippines “ngấm đòn” trừng phạt kinh tế của Trung Quốc
Philippines “ngấm đòn” trừng phạt kinh tế của Trung Quốc
Trả đũa Trung Quốc, Philippines cũng tính cấm đánh bắt cá
Trung Quốc cấm đánh bắt cá tại Biển Đông
Úc gợi ý dùng luật ở biển Đông, Trung Quốc phản bác
Kinh tế Philippines chịu tác động xấu từ cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc. |
Theo tờ China Daily, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines và là đối tác ASEAN lớn thứ 6 của Trung Quốc. Hai quốc gia đã thỏa thuận mở rộng hoạt động ngoại thương lên tới 60 tỷ USD vào năm 2016 so với 30 tỷ USD của năm 2011 khiến Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines. Việc 2 nước "hục hặc" với nhau về vấn đề chủ quyền trên biển Đông trong thời gian qua đã cho thấy nền kinh tế của quốc đảo này đã tỏ ra dễ bị tổn thương.
Trong một động thái mà phía Philippines coi là để gây sức ép buộc nước này nhượng bộ, Trung Quốc đã từ chối nhận 150 container chuối xuất khẩu từ Philppines với lí do là các quả chuối trong đó “lúc nhúc côn trùng”. Một lượng chuối lớn đã bị tiêu hủy khiến các nhà xuất khẩu Philippines bị thiệt hại tới 760.000 USD.
Philippines phủ nhận cáo buộc rằng chuối của nước này bị nhiễm côn trùng, và cho rằng loại côn trùng mà Trung Quốc đổ tội cho chuối của Philippines thực ra là loài chuyên tấn công quả dừa mà thôi.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng đã mời một phái đoàn thương mại Trung Quốc đến nước này kiểm tra chuối trước khi xuất. Ông tuyên bố Philippines sẽ khai thác các thị trường xuất khẩu khác cho sản phẩm chuối để nước này không bị “gắn chặt vào chỉ một quốc gia, nơi các rắc rối sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến ngành sản xuất chuối của chúng tôi”.
Zhao Jianglin, một chuyên gia kinh tế của Học viện nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc sẽ dùng các biện pháp kinh tế như tăng cường các qui định về chuối để trừng phạt Philippines vì đã không rút lui trong tranh chấp bãi cạn Scarborough.
“Thông báo (về sản phẩm chuối) là lời cảnh cáo dành cho Philippines. Việc tăng cường kiểm tra chất lượng hoa quả, một nhiệm vụ thuận tiện và rất dễ thực hiện, là nhằm mục đích thử phản ứng của Philippines trước khi tiến hành các lệnh cấm vận kinh tế. Quá trình kiểm tra chất lượng hoặc thông quan hải quan kéo dài sẽ khiến hoa quả bị thối rữa và gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu”, ông Zhao nói.
Tuy vậy, chiến lược của Trung Quốc cũng có một số rủi ro: vào cuối năm 2011, Trung Quốc đã đầu tư 251 triệu USD vào Philippines, phần lớn dưới dạng các dự án xây dựng, và các dự án đã kí kết có giá trị tới 7,9 tỷ USD.
Số du khách Trung Quốc đến Philippines cũng đã tụt giảm, sau khi 1 trong 3 hãng hàng không chính của Trung Quốc đã cắt các chuyến bay hàng ngày đến Manila từ 2 chuyến xuống còn 1 chuyến. Hãng hàng không China Southern Airlines cho biết nhiều chuyến du lịch đến Philippines đã bị hủy.
Theo Channel NewsAsia, Trung Quốc là nguồn du khách lớn thứ tư và tăng trưởng nhanh của Philippines. Vào quí đầu năm 2012, du lịch Trung Quốc đã tăng trưởng 77%.
Tuy vậy, theo tờ New York Times, Philippines với sự yếu kém về quân sự và sự phụ thuộc về kinh tế nặng nề vào Trung Quốc, là bên yếu thế hơn trong cuộc tranh chấp hiện nay và không thể làm gì nhiều để trả đũa hành động gây hấn về kinh tế của Trung Quốc.
Chuyên gia khoa học chính trị Scott W. Harold cho rằng xét về cả ngoại thương và quân sự, Trung Quốc là bên “trên cơ” trong cuộc tranh chấp này với hàng chục tàu chiến và tàu các loại xuất hiện tại bãi cạn Scarborough.
Trong khi đó chỉ một chiếc tàu chiến của Philippines có mặt tại bãi cạn và đã phải rút về căn cứ để sửa chữa. Ông Harold cho rằng: “Tôi không nghĩ chuyện này sẽ đi xa hơn nữa”.
“Bắc Kinh ở thế trên và sự kiểm soát của đối với bãi cạn Scarborough là không thể phủ nhận, vì thế họ chẳng cần phải dùng đến vũ lực và Philippines quá yếu về mặt quân sự nên tôi nghĩ họ sẽ rất thận trọng”, ông nói.
Lê Dung