Phía Đông Aleppo sắp thất thủ, Washington rục rịch "kế hoạch B"?
Hãng tin Sputnik trích dẫn nhận định của Tổng biên tập tạp chí The Duran Alexander Mercouris, “Mỹ tin phía Đông Aleppo sẽ sớm thuộc về quân chính phủ Syria” và cho rằng Washington đang bắt đầu thực hiện “kế hoạch B” của mình.
Khói bốc lên tại một quận phía đông thành phố Aleppo (Syria). |
Mặc dù Nga và Mỹ có nhiều cuộc hội đàm về tình hình Aleppo, song hành lang để các nhóm vũ trang rút lui khỏi thành phố đã không được thiết lập. Điều này có nghĩa là các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn sẽ không từ bỏ tham vọng kiểm soát thành phố từng là trung tâm công nghiệp lớn và đông dân này.
“Đối với tất cả các nhóm vũ trang, trong đó có các tổ chức khủng bố, Aleppo đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến ở Syria”, ông Mercouris nhận định. “Nếu họ còn tồn tại ở đó, họ vẫn là một thế lực chính trị đáng kể ở đất nước này, còn nếu bị đánh đuổi khỏi đây thì tham vọng đó sẽ châm dứt”.
Tuy nhiên, ông Mercouris tin rằng việc các nhóm nổi dậy thất thủ ở Aleppo chỉ còn là vấn đề thời gian. “Họ đang bị quân đội Syria bao vây từ mọi hướng, trong khi đó nhiều binh lính từ các khu vực do quân chính phủ kiểm soát sẽ được điều động tới đây. Quân nổi dậy hiện đã mất nguồn tiếp tế nhu yếu phẩm và không có quân chi viện. Nhưng tôi tin rằng họ sẽ chiến đấu cho đến cùng”, chuyên gia chính trị cho biết.
Dẫn nội dung các báo cáo của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Mercouris tin rằng Mỹ đang muốn thiết lập một vùng an toàn ở phía Đông Bắc Syria, nơi quân nổi dậy do nước này hậu thuãn đang kiểm soát, qua đó giúp Washington có “quân bài cần thiết để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về tương lai của Syria”.
“Về cơ bản, họ muốn phân chia Syria thành hai khu vực riêng biệt: quân nổi dậy sẽ kiểm soát khu vực phía Bắc và Đông Bắc Syria, trong khi chính phủ Syria sẽ kiểm soát khu vực phía Tây, bao gồm cả các thành phố lớn như Aleppo và Damascus”, ông Mercouris nói.
Theo đó, Raqqa, hiện đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát, sẽ trở thành nơi tập trung của các phần tử Hồi giáo. “Mỹ không muốn Raqqa thuộc về tay quân chính phủ Syria, vì vậy họ không muốn họ và quân đội Nga tham gia vào chiến dịch giải phóng Raqqa”, ông Mercouris cho biết.
Tuy nhiên, để kế hoạch này có thể thành công, Mỹ cần các lực lượng mà họ hậu thuẫn phải tiêu diệt được IS, và đây là một thách thức không nhỏ. Ban đầu, Mỹ muốn lực lượng người Kurd YPG sẽ giải phóng Raqqa, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu đã có quan hệ thù địch với cộng đồng người Kurd, một mực phản đối. Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt tại Syria và Iraq.
“Nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với nhau, quan hệ giữa hai bên sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Song điều này sẽ khiến Mỹ rơi vào thế đối đầu với quân người Kurd, lực lượng chủ lực chống IS mà Mỹ đã và đang phải phụ thuộc trong suốt thời gian qua. Tình hình hiện tại rất nhạy cảm”, ông Mercouris kết luận.