Phẫu thuật cho người phụ nữ "chân voi"
Hình ảnh trước và sau phẫu thuật |
Theo bác sĩ Vũ Trung Trực – Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ: “Đây là trường hợp bệnh nhân nữ 32 tuổi, quê ở một tỉnh thuộc Tây Nguyên, phát hiện chân phải to dần lên trong nhiều năm gây ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và thẩm mỹ của bệnh nhân, đi lại và mặc quần áo khó khăn. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng không thực sự hiệu quả. Khi đến khám tại bệnh viện Việt Đức, kích thước chu vi vùng đùi và cẳng chân bên phải lớn hơn 50% so với chân trái. Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân mắc hội chứng phù bạch mạch ở giai đoạn 3, tức là chân bị ảnh hưởng có kích thước to hơn rõ rệt so với chân lành”.
Hệ thống mạch bạch huyết là hệ mạch rất nhỏ và mỏng có nhiệm vụ thu hồi dịch từ khoảng gian bào để đưa về hệ thống tuần hoàn chung, áp lực trong hệ bạch huyết luôn thấp hơn áp lực trong lòng tĩnh mạch. Nguyên nhân của tình trạng phù bạch mạch có thể do bất thường hệ thống bạch huyết bẩm sinh hay mắc phải do chấn thương, phẫu thuật hay một nguyên nhân khá thường gặp hiện nay là sau xạ trị vào vùng nách (sau phẫu thuật ung thư vú). Ở giai đoạn sớm, chi có thể to lên không thường xuyên và có thể điều trị hiệu quả với phương pháp đơn giản như băng chun. Nếu tình trạng ngày càng nặng lên, áp lực trong lòng hệ bạch huyết ngày càng cao thậm chí cao hơn áp lực trong lòng tĩnh mạch, hiện tượng phù tổ chức ngày càng tăng lên dẫn đến tăng kích thước chi thể, rối loạn dinh dưỡng, ở mức độ nặng sẽ gây loét và tàn phế.
“Ở giai đoạn này, các phương pháp điều trị bảo tồn như băng chun và phẫu thuật kinh điển như cắt bỏ tổ chức dưới da, hút mỡ… không thể giải quyết triệt để tình trạng bệnh và để lại nhiều di chứng. Các bác sỹ đã hội chẩn và quyết định điều trị bằng kỹ thuật siêu vi phẫuđồng thời với cắt bớt một phần khối lớn vùng mặt trong đùi. Theo đó, kỹ thuật siêu vi phẫu (supermicrosurgery)sẽ được ứng dụng để tạo các cầu nối dẫn lưu dịch bạch huyết từ bạch mạch vào tĩnh mạch (lymphaticovenous anastomosis).
Đây là một kỹ thuật khó vì thành bạch mạch rất mỏng, không màu và kích thước mạch bạch huyết ở vùng cẳng chân chỉ từ 0,1 đến 0,4 mm đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật vi phẫu có kinh nghiệm, sự tập trung cao độ và trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi, dụng cụ, chỉ vi phẫu 11/0 với kích thước chỉ khoảng 1/5 sợi tóc” – bác sĩ Vũ Trung Trực cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ cho biết: Tại bệnh viện, kỹ thuật siêu vi phẫu đã được ứng dụng trong cấp cứu nối lại các bộ phận đứt rời nhỏ như tai, mũi, tinh hoàn, các ngón tay ở trẻ nhỏ hoặc búp ngón tay ở người lớn… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên siêu vi phẫu được tiến hành trên hệ bạch mạch, với đòi hỏi cao hơn rất nhiều về mặt kỹ thuật do đặc điểm thành mạch rất mỏng và nhỏ nên dễ rách. Khi làm chủ được kỹ thuật này sẽ giúp điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho rất nhiều bệnh nhân phù bạch mạch, loại bệnh lý ngày càng phổ biến đặc biệt khi tỉ lệ ung thư vú ngày càng tăng làm tăng theo số bệnh nhân phù bạch mạch chi trên sau xạ trị vùng nách.
Bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện về nhà đi lại bình thường, hiệu quả của phẫu thuật cần được theo dõi và đánh giá một thời gian dài sau phẫu thuật.