Phát triển thị trường vốn xanh hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu năm 2017 - 2020, tầm nhìn năm 2030, quy định cơ chế và chính sách phân phối thị trường trái phiếu xanh nhằm mục đích cho phép tổ chức phát hành huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh.
Theo đó, các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường trái phiếu xanh được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn trái phiếu xanh để thực hiện các dự án xanh.
Trong đó bao gồm việc xây dựng, hoàn thiện khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu xanh, báo cáo và giám sát theo các tiêu chí tài chính xanh; huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh, niêm yết, phát hành trái phiếu xanh cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh…
Để phát triển trái phiếu xanh, việc thiết lập một khung trái phiếu xanh là rất cần thiết. Vì vậy, nhằm tiến tới một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này, tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Nội dung của đề án bao gồm: mục đích và khối lượng phát hành; điều kiện, điều khoản của trái phiếu; việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch…
Theo ông Trần Đăng Khâm -Viện Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân - ngoài thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) xanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xanh cũng là một kênh tiềm năng cho các dự án xanh của các doanh nghiệp. Để tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu xanh, Chính phủ đã ban hành các chính sách liên quan với mục đích thúc đẩy TPDN xanh.
Mở ra xu hướng huy động trái phiếu xanh là các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam cuối tháng 8/2019 đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 9 năm; CTCP Trung Nam (sở hữu 70% vốn của CTCP Điện mặt trời Trung Nam) cũng phát hành thành công 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm, riêng năm đầu tiên là 10,5%/năm. Tổng số tiền hai công ty này huy động được là 3.045 tỷ đồng và được sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Năm 2020, CTCP Bamboo Capital (BCG) phát hành 900 nghìn trái phiếu chuyển đổi trong quý 4/2019, lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 năm, trong đó dự kiến 350 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng mặt trời, 500 tỷ đồng đầu tư vào các dự án bất động sản, 50 tỷ bổ sung vốn lưu động.
Trong tháng 5/2021, CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) đã công bố phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Đây là TPDN xanh đầu tiên của Việt Nam. Theo đó, vốn huy động từ đợt phát hành này được BIM Land sử dụng để phát triển các dự án bất động sản, trong đó có nhiều dự án xanh, bảo vệ môi trường.
Đợt phát hành thành công của BIM Land đã mở ra xu hướng mới về việc phát hành TPDN để huy động vốn cho các dự án xanh. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có thêm kênh huy động vốn cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng tái tạo mà các định chế tài chính chưa thể đáp ứng thông qua các sản phẩm tài chính truyền thống.
Ông Trần Đăng Khâm đánh giá: “Nhìn chung, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam đang ở mức độ sơ khai, chưa phát triển. Quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh chưa chắc chắn. Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng về trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế”.
Trong khi đó, thị trường cổ phiếu xanh ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn tạo lập. Các cơ quan chức năng đưa ra các chương trình, chỉ số khuyến khích doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững. Các hoạt động chính đã được triển khai đến nay có thể được chia thành 3 nhóm: Nâng cao hiểu biết toàn thị trường về tài chính xanh; Khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp với tài chính xanh; Xây dựng và áp dụng chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường.
Tuân Nguyễn