Phát triển Sơn Trà đe đoạ "nữ hoàng linh trưởng"
Phát triển Sơn Trà đe đoạ "nữ hoàng linh trưởng"
>> Du xuân trên đinh Sơn Trà
Voọc Chà vá chân nâu - Nữ hoàng của loài linh trưởng - tại KBTTN Sơn Trà - Ảnh do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn voọc Chà vá quốc tế tại Việt Nam (DLF) cung cấp |
"Nữ hoàng linh trưởng" ở Núi khỉ
Ngày 6/8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, UBND TP vừa có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phải lưu ý vấn đề bảo tồn loài voọc Chà vá, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên trong quá trình nghiên cứu, rà soát quy hoạch tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở NN-PTNN chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với UBND quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động người dân địa phương từ bỏ tập quán săn bắt chim, thú, lấy củi tại KBTTN Sơn Trà, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
KBTTN Sơn Trà được công nhận năm 1980, nằm trên bán đảo Sơn Trà cách trung tâm Đà Nẵng 8km về phía Đông. Theo điều tra của TS. Đinh Thị Phương Anh (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), rừng nguyên sinh Sơn Trà rộng 4.189,7/4.439ha là nơi giao lưu của hai hệ động thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc, gồm 985 loài thực vật thuộc 483 chi, 143 họ; 64 loại gỗ lớn, 107 cây thuốc quý và nhiều giống lan rừng; 36 loài thú thuộc 18 họ, 8 bộ; 106 loài chim thuộc 34 họ, 15 bộ... Trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo tồn như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thuỷ sinh…
Do có rất nhiều khỉ nên bán đảo Sơn Trà từng được người Mỹ gọi là Monkey Mountain (Núi khỉ). Đặc biệt ở đây có voọc Chà vá chân nâu (còn gọi là Chà vá chân đỏ, Chà vá ngũ sắc, tên khoa học là Pygathrix nemaeus nemaeus) được mệnh danh là "Nữ hoàng của loài linh trưởng". Đây là một trong 3 loài linh trưởng thuộc giống Pygathrix (phân họ Khỉ ăn lá – Colobinae) đang bị đe dọa tuyệt chủng do các hoạt động săn bắn trái phép, phá hoại rừng và buôn bán động thực vật.
Nhóm nghiên cứu của DLF đã chụp được ảnh một số con non trong các đàn voọc Chà vá chân nâu ở KBTTN Sơn Trà |
Theo điều tra mới đây của Tổ chức Bảo tồn voọc Chà vá quốc tế tại Việt Nam (DLF) cùng nhóm nghiên cứu của khoa Sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), Chà vá chân nâu là một trong số những loài thú lớn còn khá phổ biến tại các khu rừng có nhiều cây to và cao như chò đen, trâm... của KBTTN Sơn Trà. Phần lớn những người địa phương hay đi rừng đều có thể bắt gặp và mô tả khá chính xác về loài này.
Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, năm 2000 tại KBTTN Sơn Trà có 14 - 15 đàn voọc Chà vá chân nâu với hơn 200 con. Đến năm 2010, kết quả điều tra của DLF ghi nhận ở KBTTN này có khoảng 18 đàn voọc Chà vá chân nâu với hơn 300 con. Điều đó cho thấy quần thể Chà vá chân nâu ở Sơn Trà đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đoàn nghiên cứu đã chụp ảnh được một số cá thể nhỏ, con non trong một số đàn.
Trong suốt thời gian điều tra, nhóm nghiên cứu của DLF không ghi nhận có nạn săn bắn Chà vá chân nâu ở KBTTN Sơn Trà. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này. Tuy nhiên vẫn có một số hoạt động của con người như khai thác nhựa cây, song mây, lá nón, khai thác lâm sản ngoài gỗ, khai thác củi, đặt bẫy… có tác động đến cuộc sống và nơi sống của Chà vá chân nâu và các loài động vật khác.
Việc mở đường ở bán đảo Sơn Trà đang gây ra nhiều mối đe doạ đối với loài voọc Chà vá chân nâu - Ảnh: HC |
Nhiều nguy cơ đang đặt ra
Đặc biệt, do Khu BTTN Sơn Trà nằm trong khu vực có tầm quan trọng về quân sự và du lịch nên đã và đang có một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, các khu du lịch…). Có một thực tế cần đề cập là hệ thống đường giao thông dày đặc ở KBTTN Sơn Trà đã làm chia cắt sự liên tục của một số khu rừng trong KBT, điều này đồng nghĩa với nơi sống của các loài động vật rừng, đặc biệt là Chà vá chân nâu, bị chia cắt.
Theo Giám đốc DLF Vũ Ngọc Thành, điều này sẽ gây bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển lâu dài các quần thể động vật vì bị ảnh hưởng đến sự giao lưu và trao đổi gen giữa các cá thể và các đàn. Sự chia cắt này còn khiến voọc Chà vá cố gắng di chuyển khỏi các khu vực đang xây dựng tới vùng rừng lớn hơn để tồn tại nên dễ bị săn bắt hơn. Ngoài ra, đã có hiện tượng công nhân xây dựng của các dự án săn bắt trái phép sinh vật, bộ đội chặt phá cây tươi để làm củi...
Các khu du lịch và hoạt động du lịch sinh thái ở KBTTN Sơn Trà đang đem lại cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động này cũng là một trong các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp tác động đến KBT như: quấy rối cuộc sống của các loài động vật rừng, đặc biệt Chà vá chân nâu và các loài thú quý hiếm khác; xả rác gây ô nhiễm môi trường; tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã và lâm sản ngoài gỗ…
Do vậy, DLF đã kiến nghị TP Đà Nẵng tiếp tục điều tra, nghiên cứu sâu rộng nhằm xác định chính xác số lượng và phân bố voọc Chà vá chân nâu ở KBTTN Sơn Trà. Uu tiên tháo gỡ bẫy đặt trên nền đất (dưới tán rừng). Đây là một trong những nguyên nhân chính đang từng ngày, từng giờ đe dọa sự sống còn của "nữ hoàng linh trưởng" và các loài động vật khác. Đồng thời lập bản đồ các tuyến đường ô tô tại các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, làm các cầu nối tạo điều kiện cho các đàn voọc Chà vá và các loài động vật khác di chuyển giữa các khu vực rừng bị chia cắt bởi các tuyến đường này...
HẢI CHÂU