Phạt hơn 16 tỷ đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường
Bộ TN&MT cho biết, thực hiện kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2016 về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị này ra 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn mười sáu tỷ năm trăm triệu đồng.
Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai đã tiến hành 4 đoàn thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường của một số tổ chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đắc Nông, Tuyên Quang, Cao Bằng.
Lĩnh vực môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của một số tổ chức tại 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành 74 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 14 tỷ đồng.
Cá sông Bưởi (Thanh Hóa) chết do nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh minh họa |
Lĩnh vực khoáng sản đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với một số tổ chức tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn một tỷ bốn trăm triệu đồng.
Lĩnh vực tài nguyên nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước của một số tổ chức, cá nhân tại một số tỉnh, thành trên cả nước và kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông đối với 2 thủy điện, qua kiểm tra đột xuất đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là hơn tám trăm triệu đồng.
Theo đơn vị này, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, mặc dù đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ thanh tra chuyên ngành các cấp còn mỏng chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn, bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn kém dẫn đến gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ về xử lý vi phạm hành chính.