Pháp – Đức phản đối trừng phạt Nga vì căng thẳng eo biển Kerch?
Được biết, các quan chức nhất trí rằng việc thực hiện những biện pháp nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên và không thực thi trừng phạt là cần thiết. Chính phủ các nước Đức và Pháp được cho là muốn tiếp tục những nỗ lực ngoại giao của mình cùng với Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), một cơ quan có thể sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng ở eo biển Kerch.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl trước đó nói rằng Liên minh Châu Âu sẽ xem xét áp đặt thêm các hình thức trừng phạt đối với Nga “tùy thuộc vào tình hình thực tế và cách hành xử của cả hai bên trong tương lai”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng cho hay Pháp và Đức nên phối hợp để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng vừa mới bùng nổ giữa Moscow và Kiev trong lúc Ukraine kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ các nước phương Tây. “Chúng ta phải làm mọi cách để xoa dịu căng thẳng nhằm ngăn cuộc khủng hoảng này dẫn đến tình trạng nguy hiểm đối với an ninh Châu Âu”, ông nói.
Trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Nga không cần các quốc gia khác tham gia hòa giải bởi họ và Ukraine đều có thể tự giải quyết vấn đề này.
“Nếu phía Ukraine và các nước Châu Âu mong muốn những vụ việc như vậy không xảy ra lần nữa, vậy thì một tín hiệu mạnh mẽ phải được phát đi cho Kiev. Không phải từ Nga, mà là từ các nước đang liên lạc chặt chẽ với chính quyền Ukraine để đảm bảo rằng những hành vi gây hấn của họ sẽ không được thực hiện”, ông nói.
Trong khi đó, ông Norbert Roettgen, một thành viên trong Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết ông không loại trừ khả năng các biện pháp cấm vận nặng tay hơn sẽ được áp dụng với Nga.
“Cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa thảo luận về những hình thức cấm vận mới nhưng tôi sẽ không loại trừ khả năng này. Cá nhân tôi cho rằng những hành động của Nga sẽ không thể không để lại hậu quả và không ai có thể khẳng định sẽ không có biện pháp trừng phạt mới được áp dụng”, ông nói.
Vào ngày 25/11, ba tàu hải quân Ukraine đã tiến vào vùng lãnh hải của Nga khi đi từ Biển Đen vào eo biển Kerch, bỏ qua yêu cầu rời khỏi khu vực mà Nga đưa ra. Sau đó phía Nga đã buộc phải nổ súng và tạm giữ các tàu này cùng với toàn bộ thủy thủ đoàn, đồng thời gọi đây là hành động gây hấn có sự phối hợp với Mỹ và EU của chính quyền Kiev.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng cáo buộc Nga có hành động gây chiến và ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, có hiệu lực cho đến tháng 1/2019.