Pháp: Chính phủ có thể từ chối thẳng thừng hiệp định TTIP
Mới đây, một vài chính trị gia Pháp đã cùng nhau bày tỏ những lo ngại của mình đối với hiệp định TTIP, một thỏa thuận thương mại gây tranh cãi và bị nhiều hiệp hội công đoàn và tổ chức phi chính phủ chỉ trích.
![]() |
Tổng thống Pháp Francois Hollande. |
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết Pháp đang theo dõi chặt chẽ diễn biến đàm phán hiệp ước TTIP, “nhưng sẽ từ chối ký kết nếu nó gây hại cho nền nông nghiệp Pháp”. Cụ thể, ông Hollande cho biết một số sản phẩm nông nghiệp của nhiều nước châu Âu đều được lợi từ việc xác nhận nguồn gốc xuất xứ và đây là điều cần phải được duy trì.
Trước đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo rằng bất kỳ hiệp ước thương mại nào “không phù hợp với những tiêu chuẩn mà Pháp đặt ra nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân và môi trường” thì đều sẽ không được chấp nhận.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Emmanuel Macron và Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Matthias Fekl cũng bày tỏ những lo ngại của mình đối với TTIP. Ông Fekl cho biết việc ký kết thỏa thuận này đang tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường khi Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp hết nhiệm kỳ Tổng thống. Ông Macron cũng đồng ý và nói rằng Pháp không nhất thiết phải ký kết hiệp ước ngay lập tức và có thể từng bước đánh giá những ảnh hưởng của nó đối với lợi ích quốc gia.
Hiệp định TTIP là một thỏa thuận thương mại hiện đang được xem xét giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ, có mục đích thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế giữa các bên. Chính phủ Mỹ coi TTIP là một thỏa thuận có tầm cỡ tương đương Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nội dung của TTIP bao gồm: xây dựng sự kết nối giữa các thị trường, lập nên những thủ tục rõ ràng và đơn giản, đồng thời thiết lập hệ thống luật lệ cụ thể về việc hợp tác giữa doanh nghiệp của Mỹ và EU.
Ban đầu, hiệp ước này dự kiến sẽ được ký kết bí mật và nội dung của nó không được tiết lộ trước công chúng. Tuy nhiên vào năm 2014, một dự thảo của hiệp ước này đã bị lộ. Ngay sau đó, Ủy ban Châu Âu (EC) đã thực hiện một cuộc thảo luận chung về những điều luật nêu ra trong thỏa thuận. Vào tháng 1/2015, EC đã công bố một phần nội dung của TTIP và tăng cường bảo mật đối với văn bản này.
Báo The Independent nhận định rằng TTIP “hạ thấp những rào cản về thủ tục thương mại cho các công ty lớn, bao gồm luật an toàn vệ sinh thực phẩm, luật bảo vệ môi trường, luật ngân hàng và quyền hạn của mỗi nước ký kết”, và chỉ trích nó là “một đòn tấn công của các tập đoàn đa quốc gia đối với chính phủ Mỹ và Châu Âu”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.