Phản ứng "bất ngờ" từ Triều Tiên về đàm phán hạt nhân với Mỹ
Sputnik đưa tin, hôm 30/9, phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, ông Kim In Ryong cho hay Bình Nhưỡng hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ tổ chức các cuộc thảo luận cấp chuyên viên trong tương lai gần.
Khả năng đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên giữa Mỹ - Triều sắp được nối lại. (Ảnh: AP) |
“Chúng tôi chỉ hy vọng rằng, các cuộc thảo luận cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm được diễn ra”, ông Kim nói.
Tuy nhiên, đại sứ Triều Tiên cũng nhấn mạnh ông không thể chắc chắn về khả năng tổ chức các cuộc thảo luận cấp chuyên viên cũng như thời gian tiến hành.
Trước đó, cũng vào ngày 30/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay Mỹ - Triều đang chuẩn bị nối lại các cuộc thảo luận về giải trừ hạt nhân và khả năng tiến hành hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ ba, sau khi thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội diễn ra vào cuối tháng Hai năm nay kết thúc mà hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Cũng theo ông Moon, cộng đồng quốc tế cần có phản ứng nếu như một khi Triều Tiên đưa ra động thái giải trừ hạt nhân.
Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều bị ngưng trệ từ hồi tháng Hai, sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không đạt được kết quả.
Hồi tuần trước, Yonhap dẫn nguồn tin từ Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết các cuộc thảo luận giải trừ hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ được nối lại trong vòng 2 – 3 tuần nữa.
Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố dù Mỹ hy vọng nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên song cho tới nay, chưa có lịch trình cụ thể cho sự kiện này.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên được cải thiện rõ nét vào năm ngoái, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, vào tháng 6/2018, hai nhà lãnh đạo Trump – Kim đã đạt được một thỏa thuận. Theo đó, Triều Tiên sẽ có những nỗ lực thúc đẩy giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên và đổi lại, Mỹ cho dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc cũng như khả năng xóa bỏ các lệnh trừng phạt.